Chia sẻ tuần 34: Có nên cho trẻ em mẫu giáo học chữ và logic?

Đang có 1 cuộc tranh luận sôi nổi về việc trẻ em mẫu giáo thì có nên cho học chữ và logic hay không. Dưới đây là tiêu chuẩn giáo dục dành cho bậc mẫu giáo của Common Core, đang được áp dụng ở hơn 45 tiểu bang của Mỹ. Tiêu chuẩn này chỉ mang tính chất tham khảo xem là các nhà giáo dục Mỹ đang định hướng những thế hệ tương lai như thế nào: http://www.corestandards.org/ELA-Li… 1/ Tiêu chuẩn cho việc đọc văn học:
Với gợi ý và hỗ trợ, các bé có thể hỏi và trả lời các câu hỏi về chi tiết chính của bài đọc; kể lại những câu chuyện quen thuộc; phân biệt nhân vật, hoàn cảnh và các sự kiện chính trong truyện.
Hỏi và trả lời những câu hỏi về từ lạ trong bài đọc; nhận biết các thể thoại văn học thông dụng; nêu tên nhà văn và người minh hoạ và định nghĩa vai trò của họ trong việc kể chuyện.
Miêu tả mối quan hệ giữa minh hoạ và cốt truyện (ví dụ: khoảnh khắc nào được minh hoạ); so sánh chuyến phiêu lưu và trải nghiệm của nhân vật trong những câu chuyện quen thuộc.
Tham gia tích cực vào các hoạt động đọc nhóm có mục đích và sự thấu hiểu.
2/ Tiêu chuẩn cho việc đọc thông tin:
Với gợi ý và hỗ trợ, các bé có thể hỏi và trả lời các câu hỏi về chi tiết chính của bài đọc; xác định ý chính và kể lại chi tiết chính của bài đọc; miêu tả mối quan hệ giữa 2 cá nhân, sự kiện, ý tưởng và các mẩu thông tin trong bài đọc.
Hỏi và trả lời những câu hỏi về từ lạ trong bài đọc; phân biệt mặt trước, mặt sau, và trang tựa đề của quyển sách; nêu tên người viết và người minh hoạ.
Miêu tả mối quan hệ giữa minh hoạ và văn bản (ví dụ: người, nơi chốn, vật hay ý tưởng nào đang được minh hoạ); xác định nguyên nhân tác giả đưa ra để chứng minh luận điểm trong bài đọc; xác định sự giống và khác nhau giữa các bài đọc cùng chủ đề (trong minh hoa, mô tả hay quy trình).
Tham gia tích cực vào các hoạt động đọc nhóm có mục đích và sự thấu hiểu.

3/ Gợi ý một số quyển sách:

Chia sẻ tuần 33: Con gái vào Harvard

Năm nay, 3/3 thí sinh quốc tịch Việt Nam được nhận vào Harvard đều là con gái.

Nhưng mà hình như con đầu lòng người ta (người Việt) thường thích có con trai, vì yên tâm có cháu nối dõi tông đường, các con sau sinh con gì cũng được. Lỡ con đầu là con gái thì lo lắng nếu con thứ 2 cũng là con gái thì phải đẻ nữa để có con trai.

Phải công nhận rằng giữa con trai và con gái có một sự khác biệt, chưa tính các quan niệm định kiến của xã hội. Ngày xưa cấp 2, ba là đứa nhỏ con nhất lớp, nhưng chạy thể dục vẫn nhanh hơn bạn gái cao khỏe nhất, ba đã cảm nhận thấy sự khác biệt về thể lực giữa con trai và con gái rồi. Khi chứng kiến cảnh mẹ đau bụng mỗi tháng mặt mày tái xanh tái mét thì ba cũng cảm nhận thêm sự khác biệt về thể chất và tâm lý này. Trong những tháng trước và sau khi mẹ sinh con, mẹ không thể làm gì khác ngoài ăn uống tẩm bổ nghĩ dưỡng, trong khi ba vẫn duy trì học tập và công việc bình thường, ba thấy thêm một sự khác biệt về cơ hội và thời gian nữa.

Nhưng ba còn nhớ như in hình ảnh của những người con gái làm ba ngưỡng mộ hết mình:

• Năm lớp 5, cô Oanh cao hơn ba 1 cái đầu tự tin lãnh đạo các hoạt động tập thể.
• Năm 2000, khóa được học bổng ASEAN du học Singapore của ba có 8 con trai và 15 con gái. Tự xung phong lãnh đạo nhóm là cô Hà, học siêu giỏi là cô Thêu vào Harvard, và sau này ra trường các cô đều nhanh chóng vươn lên vị trí cấp cao của các công ty.
• Năm 2008, khi kinh tế Mỹ xuống tận đáy, cô Phương vẫn được việc ở công ty xem như là tốt nhất cho sinh viên mới ra trường.
• Năm 2013, mẹ leo núi Fansipan hừng hực khí thế, bỏ xa ba nhiều lần. Nhận thức của ba lúc trước về khác biệt thể lực là sai lầm.
• Năm 2014, ba hoàn toàn tin tưởng cô Ngọc về năng lực và phẩm chất để cùng làm giáo dục, từ chối kha khá lời mời hợp tác của nhiều người thành đạt khác.

Con à, ba không hiểu biết nhiều về phong trào nữ quyền, nhưng ba sẽ không để bất cứ vật cản nào ngăn con không thực hiện được ước mơ của mình chỉ vì con là con gái.

Con chỉ đơn giản là con của ba mẹ, là thiên thần của mọi người.

***

Năm nay Harvard nhận 3 bạn nữ quốc tịch Việt từ cả 3 miền Bắc, Trung và Nam.

Câu chuyện về cô bé người Hà Nội trên báo chí tôn vinh người cha với tựa đề “Ước mơ 13 năm của cha và 2 con gái cùng học Harvard”. Đã từ lâu, người cha đọc cuốn sách “Em phải đến Harvard học kinh tế” và choáng bởi thông tin “vào Harvard khó hơn lên trời”. Người cha ao ước sau này con mình vào được Harvard, gia đình không giàu có nhưng luôn đầu tư hết sức cho con.

Câu chuyện về cô bé người Quảng Ngãi không đề cập đến người cha, nhưng đọc lời tâm sự của cô bé cũng đủ thấy thấp thoáng tư tưởng của người đàn ông đã đồng hành cùng em suốt 17 năm qua: Với các bậc phụ huynh, em nghĩ nên hỏi “Tính cách, và hoạt động của con tôi như thế này, thì môi trường ở đâu là tốt nhất cho con tôi phát triển?”

Câu chuyện về cô bé người Sài Gòn sẽ là một liều cảm hứng mạnh, nhưng phải đợi nhân vật chính kể câu chuyện của mình trước.

***
Con à, dù những người cha có được tôn vinh trên mặt báo hay không, thì có lẽ cách đây 18 năm họ đã từng suy nghĩ giống như những gì ba đang nghĩ: “Ba không hiểu biết nhiều về phong trào nữ quyền, nhưng ba sẽ không để bất cứ vật cản nào ngăn con không thực hiện được ước mơ của mình chỉ vì con là con gái”.

Có người tuyên dương ba đang “tìm bình đẳng” cho con gái. Nhưng như vậy có nghĩa là ba chỉ đang cố gắng tạo điều kiện cho con gái có được những cái gì mà xã hội nghĩ con trai hiển nhiên có. Được học hành bài bản, được trải nghiệm mạo hiểm, được bay cao bay xa, được thăng tiến lương bổng hậu hĩnh, hay được lập gia đình lúc nào mình thích?

Họ hiểu lầm ý của ba rồi. Thông điệp của ba là những quyết định đầu tư và định hướng cho con sẽ dựa trên điều kiện của gia đình mình và tài năng sở thích của con, chứ không dựa vào giới tính của con. Nói cách khác, con sẽ được tự do theo đuổi đam mê của con không phải để bằng những đứa bạn trai khác, mà là để con sống cuộc đời con mong muốn (sau khi ba kiểm duyệt nhẹ nhàng).

Có người còn nói lời nói của ba làm những ông bố khác cảm thấy “xấu hổ”. Những ông bố khác vì sao phải xấu hổ? Họ thầm lặng làm rất nhiều việc sau tấm rèm để con gái của họ tỏa sáng. Phải công tâm mà nói họ có thể “gia trưởng”, nhưng chưa chắc là những người “trọng nam khinh nữ” nhất trong đại gia đình hay xã hội họ đang sống. Họ cũng đã từng là những đứa bé trai vô tri vô thức, lớn lên trong khuôn khổ đã được định sẵn, không có được trang bị kỹ năng để bứt phá khỏi những định kiến đã ăn sâu vào văn hóa xây dựng gia đình.

Có bao nhiêu bé trai được tạo điều kiện để chia sẻ việc giặt giũ bếp núc với mẹ từ nhỏ, được nghe chính mẹ ruột dặn dò là sau này con trai phải biết san sẻ việc xây tổ ấm với vợ mình?

Một cô bạn của ba đang học Tiến Sĩ ở Đại Học MIT bức xúc khi nghe 1 anh khuyên con gái đừng học cao quá sẽ khó lấy chồng. Nếu sau này có anh nào khuyên con như vậy, thì con cứ đáp lời rằng: Ba em bảo anh không xứng đáng làm con rể của ba, vì anh vô tình ngăn cản em không thực hiện được ước mơ của mình vì em là con gái.

Anh ấy có thể đi chỗ khác tìm vợ, còn con thì sẽ tiếp tục phát triển năng lực của mình ở Harvard (hay Williams hay bất cứ đâu con muốn!).

Chia sẻ tuần 32: Đánh bóng tên tuổi (Làm giáo dục 1 cách ích kỷ)

Hôm nay khi nhìn con chưa đầy tháng ngủ say trong bình yên của một ngày xuân đột ngột tuyết rơi, tôi chợt nhận ra mình chọn làm giáo dục vì một lý do ích kỷ.
Tôi ích kỷ lo cho tương lai con của mình làm sao được sống trong một xã hội văn minh và tử tế. Thế giới năm 2036 người ta sẽ biết xếp hàng, không xả rác, biết tiết kiệm điện nước.
Người ta còn biết tìm thông tin từ nhiều nguồn trước khi phán xét để không ngay lập tức xúc phạm đến danh dự của người khác. Người ta không chỉ biết ơn những người đã giúp mình mà còn sẵn lòng giúp những người khó khăn không thân thích. Người ta chủ động hợp tác giải quyết vấn đề thay vì đùn đẩy trách nhiệm cho người khác…
Để có được năm 2036 như thế thì phải trang bị đầu vào thật cẩn thận cho các bạn chuẩn bị đi học Đại Học vào năm 2016. Vì 20 năm nữa các bạn sẽ là sếp của các tổ chức từ nhà nước đến tư nhân, từ vì lợi nhuận đến phi lợi nhuận, từ các ngành kỹ thuật đến xã hội. Vì thế, những tài năng có tâm dù khó khăn đến mấy cũng phải được chắp cánh để phát huy năng lực.
Hai năm trước tôi có ý tưởng 3 scholars này. Nếu tôi giúp 3 bạn nhà nghèo được học bổng toàn phần đi du học, rồi 3 bạn đó sẽ giúp 3 bạn khác, thì con số người được giúp sẽ tăng theo cấp số nhân 3, 9, 27, 81, 243, 729, 2187, 6561, 19683, 59049, 177147…Đến 2036 sẽ có hơn 3 tỷ người được giúp. Ngạc nhiên chưa?!
Sau 2 năm chỉ có 1 nửa số bạn scholars thành công trong việc lên đường đi Mỹ du học. Quan trọng là khi nhận được suất học bổng toàn phần các bạn đã quay lại nói với tôi là bọn em sẵn lòng giúp những bạn khác thực hiện ước mơ của mình.
Có thể tôi sẽ bị hiểu lầm là dùng thành công của các em để đánh bóng tên tuổi. Nhưng bản thân tôi hiểu hơn ai hết: “Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân” (Cánh én tuổi thơ – Phạm Tuyên).
Thành công của các em là do nổ lực của chính các em và sự trợ giúp kịp thời của rất nhiều người đồng hành khác. Tôi chỉ là Donkey đi theo Shrek để khi Shrek tìm được công chúa Fiona thì tôi mãn nguyện khi tìm thấy bạn rồng. Bạn rồng của tôi chính là cái thế giới năm 2036 nơi con tôi sẽ sống do chính các bạn tôi đã giúp làm lãnh đạo.
Quay về việc “đánh bóng tên tuổi”. Nếu bạn nghĩ việc giúp các em khó khăn thành công là nâng tầm được tiếng tăm danh vọng thì hãy cùng nhau làm đi. Tên tuổi bạn được đánh bóng, nhưng xã hội cũng hưởng được lợi rất rất nhiều từ cái việc tưởng chừng như ích kỷ này của bạn.
Kết bài, tôi xin lên án việc thuê người làm hồ sơ giả để đi du học. Hành động này làm tôi lo lắng thế giới con mình sống năm 2036 đầy những kẻ lãnh đạo giả dối, không có thực lực mà chỉ dùng đồng tiền để giành lấy ghế ngồi của người khác. Việc dạy cho các bạn trẻ có lòng tự trọng cũng là làm giáo dục. Và đừng để những người “đội lốt” nhà giáo dục dụ dỗ mãi!

Chia sẻ tuần 31: Một học sinh trường công Mỹ từ mẫu giáo đến lớp 12 có trải nghiệm học thuật như thế nào?

Một phần của câu trả lời là Common Core, được thiết kế năm 2009 với mục tiêu đặt ra tiêu chuẩn tầm quốc tế cho học sinh trường công ở Hoa Kỳ.
Hiện Common Core đã được hầu hết các bang ở Mỹ áp dụng. Ước tính có gần 46 triệu học sinh và 3 triệu giáo viên sẽ trải nghiệm chương trình học này: http://elearninginfographics.com/un…
Tiêu chuẩn cho môn Tiếng Anh có cái tên rất dài là: “English Language Arts & Literacy in History/Social Studies, Science, and Technical Subjects”: http://www.corestandards.org/ELA-Li…
Tên gọi này có nghĩa là học sinh phải biết cách sử dụng tiếng Anh để tìm hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau như Lịch sử/ Xã hội, Khoa học hay Kỹ thuật. Từ đó, học sinh không chỉ học ngôn ngữ mà còn rèn luyện tư duy phản biện, phân tích và giải quyết vấn đề để sẵn sàng cho việc học Đại Học, trong sự nghiệp và cuộc sống sau này.
Điều thú vị là SAT phiên bản mới được thiết kế rất giống một số tiêu chuẩn của Common Core: http://www.edweek.org/media/24satch…
Ví dụ: Những kỹ năng như nêu dẫn chứng, cảm thụ các bài đọc từ khoa học đến xã hội, đoán nghĩa từ vựng dựa trên ngữ cảnh, viết phân tích lập luận của tác giả.
Ngoài ra, SAT mới còn tương đồng với Common Core ở chỗ yêu cầu học sinh phân tích dữ liệu khoa học xã hội, và đọc những tài liệu lịch sử như Gettysburg Address.
Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều về việc đặt ra 1 tiêu chuẩn giống nhau cho các bang, nhưng giáo viên Mỹ đã làm quen với tiêu chuẩn mới này, cũng như hầu hết các phần mềm giáo dục phổ thông thiết kế nội dung dựa trên Common Core.
Hy vọng phụ huynh và học trò google để tìm hiểu thêm về tiêu chuẩn giáo dục mới này. Đây là một số sách mà Common Core gợi ý giáo viên sử dụng khi dạy học sinh lớp 6-8.

Chia sẻ tuần 30: Có nên công khai điểm số

Ở Việt Nam, điểm số của tất cả thí sinh được dán lên bảng thông báo. Trong lớp thầy cô sẵn sàng công bố điểm của tất cả học sinh.

Lớp Educational Outcomes mình đang làm 1 nghiên cứu nhỏ xem việc công khai điểm số của tất cả học trò có ảnh hưởng tốt hay xấu?

Nhờ mọi người dành 1 phút để làm giúp mình khảo sát này nhé. Chỉ có 7 câu hỏi rất ngắn. Cảm ơn mọi người nhiều!

1. Bạn đã từng học trong môi trường công khai điểm số của tất cả học sinh chưa?
2. Công khai điểm số ảnh hưởng đến học sinh điểm cao như thế nào?
3. Công khai điểm số ảnh hưởng đến học sinh điểm thấp như thế nào?
4. Công khai điểm số ảnh hưởng đến không khí lớp học?
5. Bạn nghĩ nên hay không nên công khai điểm số?
6. Bạn có tò mò hay quan tâm đến điểm số của người khác không?
7. Nếu được đưa bảng điểm của cả lớp, bạn có xem không?

Kết quả khảo sát lần trước của mình có sự tham gia của 137 bạn người Việt trên Facebook và 16 bạn đang học cùng lớp Educational Outcomes ở Harvard.

Bánh bên trái của của bạn người Việt, bánh bên phải của bạn Harvard.

1/ Phần lớn bạn người Việt học ở môi trường công khai điểm số, trong khi 50% bạn Harvard có trải nghiệm này.

Screen Shot 2016-03-27 at 10.33.54 AM

2/ Phần lớn cả 2 bên đều nghĩ công khai điểm số tạo động lực cho học sinh khá giỏi vì các em sợ mất vị trí dẫn đầu.

3/ Mặt khác, số ít cả 2 bên nghĩ rằng công khai điểm số tạo động lực cho học sinh điểm thấp.

Screen Shot 2016-03-27 at 10.34.08 AM

4/ Phần lớn cả 2 bên đều nghĩ rằng công khai điểm số làm không khí lớp học căng thẳng, cạnh tranh nhiều hơn là hợp tác.

5/ Từ đó, phần lớn cả 2 bên đều cho rằng không nên công khai điểm số.

Screen Shot 2016-03-27 at 10.34.22 AM

6/ Tuy nhiên. phần lớn cả 2 bên đều tò mò về điểm số của người khác.

7/ Và nếu được đưa bảng điểm cả lớp, phần lớn cả 2 bên đều sẽ xem qua.

Screen Shot 2016-03-27 at 10.34.44 AM.png

Còn nhiều ý kiến khác mình chưa nêu lên, nhưng nhìn chung dù học ở môi trường nào, con người vẫn quan tâm xem người khác làm được đến đâu, nên việc công khai điểm số có thể giúp hình thành “growth mindset” (tư duy tiến bộ).

Nhưng mà công khai như thế nào để cả học sinh điểm thấp và điểm cao đều có động lực và sẵn sàng hợp tác cùng tiến bộ là một bài toán không đơn giản.

Chia sẻ tuần 29: THƯ VIỆN LÀ NƠI TẠO CỘNG ĐỒNG VÌ TRẺ EM

 

Thư viện có nhiều sách thôi chưa đủ, cần phải tạo một cộng đồng các gia đình bất kể giàu nghèo, bố mẹ cùng con cái tham gia các hoạt động phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của trẻ em.

1/ Baby Lapsit:

Ba mẹ con cùng gia đình khác cùng tham gia các hoạt động ngôn ngữ và cử động

2/ Sing-along:

Dùng âm nhạc để học ngôn ngữ và học chữ

3/ Onesies (and twosies):

Bé biết đi, chuyển động khám phá ngôn ngữ, nghệ thuật, sách và bạn mới.

4/ Preschool story time:

3-5 tuổi, học chữ thông qua kể chuyện và đọc thơ

5/ Toddler Storytime:

2-3 tuổi, học chữ và vui thú cùng ngôn ngữ và sách

6/ Ipads in Children’s Room:

Phòng Ipads giúp bé khám phá và phát triển đa giác quan

Thư viện còn là nơi đưa ra những đầu sách hay nhất trong năm với nhiều copies để các bạn trẻ thi nhau đọc.

Thư viện Cambridge đưa ra 9 danh sách cho mọi lứa tuổi thiếu nhi:

1/ Tiểu thuyết cho cấp 2
2/ Chapter books: Sách truyên văn xuôi dành cho lứa tuổi 7-10
3/ First Chapter books: Sách truyện văn xuôi dành cho lứa tuổi 6-7
4/ Sách thu âm
5/ Thơ
6/ Sách thông tin cho thiếu niên
7/ Truyện cổ tích
8/ Sách in hình
9/ Sách hoạt hình

Chia sẻ tuần 28: Mọi hình phạt đều không được làm mất thời gian học hành của trẻ

Đình chỉ học 1 tuần có thể gây ảnh hưởng lớn đến trình độ

Theo quan điểm giáo dục của một số trường phổ thông ở Mỹ thì tất cả các hình thức kỷ luật đều không được làm mất đi thời gian học hành của trẻ em. Vì nếu trẻ em có kết quả học tập không tốt thì chính do những hình thức kỷ luật đó gây ra.

Theo lối suy nghĩ đó thì hình phạt đình chỉ học tập 1 tuần nếu vi phạm luật giao thông nhiều lần có thể ảnh hưởng lớn đến việc học của các em, gây thêm áp lực cho thầy cô giáo và làm mất cân bằng giữa trình độ của học sinh trong lớp học. Nhìn tổng thể, tất cả học sinh đều bị ảnh hưởng dù là trực tiếp hay gián tiếp.

Hơn thế nữa, khi một môi trường học có nhiều học sinh vi phạm luật gì đó, thì nó phản ánh chương trình giáo dục của trường đó chưa bao hàm đầy đủ các khía cạnh để trở thành công dân tiêu biểu. Trước khi đưa ra các hình thức kỷ luật cần tổ chức các đợt thanh tra xem trường dành ra bao nhiêu thời gian trong 1 năm học để giúp các em được tiếp cận và thực hành các luật an toàn giao thông. Sau đó, cần khảo sát và đánh giá xem các em có thực sự hiểu luật không.


Thạc sĩ Chính sách và Quản lí giáo dục ĐH Harvard - Trương Phạm Hoài Chung

Thạc sĩ Chính sách và Quản lí giáo dục ĐH Harvard – Trương Phạm Hoài Chung

Hãy lắng nghe các em

Quay về câu hỏi hình phạt nào phù hợp để vừa giáo dục nhân cách, vừa không ảnh hưởng đến việc học của các em thì tôi đề nghị có thể tổ chức những buổi gặp mặt giữa thầy giám thị và học trò vi phạm không phải là để kỷ luật mà là để “giải quyết vấn đề”.

Vấn đề ở đây là các em vi phạm an toàn giao thông, nhưng người lớn có lắng nghe lý do ngọn ngành từ phía học trò không? Có thể các em thấy nhiều người lớn vi phạm nên làm theo mà không nghĩ bản thân mắc lỗi. Có thể các em sợ bị trễ học mà giao thông thì ách tắc, phương tiện công cộng không thuận tiện. Ở Mỹ không có hình phạt về vi phạm an toàn giao thông với học sinh, bởi lẽ học sinh mọi độ tuổi – ở tất cả các cấp đều có xe bus đưa đến trường học.

Có thể các em phạm luật là những em gia đình khó khăn phải tự đi học mà không có người lớn đưa đèo. Khi người lớn lắng nghe và cho học trò có tiếng nói trong việc giải quyết vấn đề thì sẽ đạt được kết quả tích cực hơn là áp đặt trẻ em luôn sai và phải bị răn đe trừng trị.

Trường hợp thứ 1 cần giúp các em phân tích luật và những lợi ích cho bản thân và người khác nếu mình tuân thủ luật. Các em cần phải hiểu là sẽ có những người lớn không gương mẫu (cũng giống như sẽ có người lớn trộm cướp, giết người), nhưng nhà trường sẽ giúp cho các em lớn lên không giống như những người lớn ấy.

Trường hợp thứ 2 và thứ 3, trường cần tìm hiểu cách giúp các em đến trường một cách an toàn nhất, đặc biệt là ở những tuyến đường phức tạp. Trường cần liên lạc với phụ huynh để giúp nhắc nhở các em khởi hành đi học sớm và đồng hành trên đường đi học cùng các em càng lâu càng tốt.

“Tóm lại, khi trẻ em vi phạm, bên cạnh các biện pháp kỷ luật đã được công bố rõ ràng từ đầu năm học, trường cần dành thời gian để tìm hiểu lý do đằng sau mỗi đợt vi phạm và cùng các em giải quyết vấn đề mà không làm mất thời gian học tập quý báu của các em”, Thạc sĩ Chính sách và Quản lí giáo dục ĐH Harvard – Trương Phạm Hoài Chung chia sẻ.

Chia sẻ tuần 27: Nhờ đọc sách

NHỜ ĐỌC SÁCH

Ấn tượng nhất về Elon khi còn nhỏ là rất mê đọc sách. Lúc nào cũng có quyển sách trong tay,,,

Thích đọc “The Lord of The Rings”, “The moon is a harsh mistress” và “The hitchhiker’s guide to the galaxy”.

Là một cậu bé teen thích trộn lẫn giả tưởng và hiện thực, thích cấu tạo năng lượng sạch và xây dựng tàu vũ trụ.

Thích là làm được à!

10568923_468495796682158_2957083119560916291_n.jpg

Chia sẻ tuần 26: TOÀN CẦU vs. PHẦN LAN

Quyển sách Finnish Lessons của Pasi Sahlberg trang này là trang quan trọng nhất, thể hiện suy nghĩ của các nhà giáo dục Phần Lan một cách rõ ràng.

Thật khó để tưởng tượng ra 1 hệ thống giáo dục không đặt nặng sự cạnh tranh, bài thi chuẩn hóa và thi cử.

Người ta cứ tưởng cho phụ huynh chọn lựa tự do môi trường học cho con là hay, nhưng Phần Lan quyết tâm tạo hệ thống trường công lập hấp dẫn đến mức độ phụ huynh không có sự lựa chọn (theo nghĩa bóng).

Nhưng chính Sahlberg cũng nhấn mạnh rằng phải dung hòa giữa 2 bên chứ Phần Lan cũng không nghiêng hẳn về 1 bên như trong bảng.

Tuần sau mình sẽ đến văn phòng gặp Sahlberg để chuyện trò thêm trước khi ông rời khỏi Harvard. Mọi người có muốn hỏi thăm ông việc gì không?

Screen Shot 2016-02-27 at 9.09.09 AM

Chia sẻ tuần 25: COMPUTER SCIENCE LÀ GÌ?

 

Khoá học CS50 là khoá học đông sinh viên nhất mỗi năm ở Harvard. Không những thế khoá học còn được dạy ở Yale (điều kỳ lạ là sinh viên ở Yale phải ngồi coi video, chứ không được trực tiếp nhìn thấy giáo sư).

Để trả lời được câu hỏi có nên “bắt buộc” trẻ em phải học Computer Science không thì người lớn phải hiểu CS là gì. May quá, khoá học CS50 cũng được dạy miễn phí thông qua kênh dạy online của Harvard và MIT.

Mình hứa là mình sẽ học lại, mặc dù Đại Học mình cũng học rồi, nhưng vì không quan tâm nên chẳng nhớ gì hết.

Đang suy nghĩ có nên cho con mình học CS từ tiểu học không? Làm trẻ em bây giờ khổ quá, có quá nhiều thứ để học. Ngày xưa mình chơi suốt 6 năm đầu, lớp 6 mới chính thức học Tiếng Anh. Làm cha mẹ mà càng hiểu biết nhiều cũng mệt, sẽ bị tham lam, tội nghiệp em bé.

Có ai chưa học khoá này và muốn học không?

Screen Shot 2016-03-27 at 11.15.18 CH.png