Chia sẻ tuần 24: TÌM KIẾM TÌNH NGUYỆN VIÊN CHO DỰ ÁN EDCATA

Dự án EDCATA được khởi xướng bởi một nhóm sinh viên/ nghiên cứu sinh từ Đại Học MIT, Đại Học Harvard (USA) và Đại Học NUS (Singapore) với mong muốn hỗ trợ các bạn ở Việt Nam chuẩn bị cho việc hoàn tất hồ sơ vào University of the People, một hình thức học từ xa nhận bằng chứng nhận quốc tế. Bên cạnh đó các bạn sẽ được nhận sự hướng dẫn 1-1 từ cựu sinh viên Việt đang công tác ở nước ngoài trong việc nâng cao năng lực nghiệp vụ và tìm kiếm công việc phù hợp.

Dự án đang cần sự giúp đỡ của một vài bạn tình nguyện viên. Điều kiện: đang sống ở Hà Nội, Đà Nẵng hoặc TP. Hồ Chí Minh, nhiệt huyết và năng động, có đam mê kết nối các bạn trẻ tài năng với những cơ hội mới.

Vui lòng email cho edcata@mit.edu để liên hệ với ban tổ chức dự án.

***
Đôi điều về University of the People (UoP)
UoP là trường đại học online, phi lợi nhuận, miễn học phí đầu tiên trên thế giới. Bằng đại học của UoP được công nhận bởi Distance Education Accrediting Commission (tổ chức được công nhận bởi bộ giáo dục Mỹ trong việc giám định chất lượng bằng cấp của các trường đại học từ xa). UoP bắt đầu với 2 khóa học đang hot nhất hiện nay là: công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh. Mỗi khóa học sẽ kéo dài 4 năm. UoP hiện đang liên kết nhiều công ty nổi tiếng thế giới như Hp, Microsoft… để tạo cơ hội việc làm và thực tập cho các bạn.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về UoP ở đây:
http://www.uopeople.edu/

Advertisement

Chia sẻ tuần 21: Học cùng con nhà giàu

Năm 16 tuổi lần đầu tiên đi du học, từ thành phố biển Quy Nhơn đến thành phố biển Singapore, mình mới hiểu được khoảng cách giàu nghèo. Mình may mắn được học Raffles Institution với nhiều cậu bé con nhà giàu và quyền lực ở Singapore. Nhưng vì được trường cung cấp đầy đủ chỗ ăn-chỗ ngủ-chỗ học nên mình tự thấy mình chẳng có gì thua thiệt so với những học sinh khác.
Đôi khi thấy các bạn cùng ký túc xá toàn đi ăn nhà hàng ở ngoài, hằng năm bay về thăm nhà vài lần, tay cầm điện thoại di dộng máy tính xách tay, mình cũng thấy tủi thân lắm. Mình hằng ngày vẫn cố nuốt trôi đồ ăn của ký túc xá, mỗi năm về thăm nhà một lần là coi như hết tiền học bổng, ở Singapore 2 năm mới dám mua 1 cái điện thoại di động rẻ tiền nhất. Máy tính xách tay chỉ là ước mơ viễn vông.
Đội hợp xướng mình tham gia có những chuyến đi lưu diễn ở Châu Âu mà mình đâu có dám đăng ký vì phải tự bỏ tiền túi ra. Mình chỉ dám mua 1 cái máy thu âm $60 để trốn trong nhà vệ sinh hát cho thỏa niềm đam mê.
Năm thứ 3 ở Singapore sau khi mua vé về Việt Nam mình không còn đồng nào trong tài khoản để đăng ký thi SAT. Tình cờ phát hiện thằng bạn người Indo vẫn còn $3,000 trong tài khoản mình đã khóc thầm suốt 1 tuần. Vì sao bố mẹ của nó cho nó nhiều tiền thế, còn mình thì nếu không đóng đủ phí thi SAT thì sẽ từ bỏ ước mơ du học Đại Học Mỹ?
Một hôm, mình đến gặp thầy tư vấn của trường hỏi là mình có khả năng đi du học Đại Học Mỹ không.
– Ba mẹ bạn đóng 1 năm được bao nhiêu?
– Dạ chắc vài trăm đô thôi.
– Thôi bạn về đi. Khi nào có Huy Chương Vàng hay gì đó thì quay lại.
Tủi thân. Mình cũng từng trải.
Trầm cảm thì không.
Mình mượn tiền thằng bạn Indo thi SAT và không lâu sau, quay lại gặp thầy với 1 Huy Chương Vàng và thành tích học tập chỉ có chữ A. Thầy giúp mình đạt học bổng toàn phần của Williams College.
Williams nhiều con nhà giàu. Có những sinh viên sẽ không chơi với mình.
Năm đầu đại học mình phải đeo tạp dề và rửa chén ở nhà ăn. Mỗi lần ở phía sau tấm rèm, nghe họ nói cười ăn uống bên ngoài cũng tủi thân ghê lắm. Những kỳ nghỉ, giữa trời tuyết trắng xóa mình lủi thủi đi bộ một mình mua đồ ăn về tự nấu; trong khi đó mình biết ở rất xa thung lũng khỉ ho cò gáy này, những bạn khác đang ngồi sưởi ấm vui thú cùng bữa ăn gia đình.
Nhưng mình không có nghĩ mình là người đặc biệt đòi hỏi mọi người phải quan tâm. Xung quanh có đầy người đặc biệt hơn mình. Mình không ngồi chờ bất cứ ai ở trường tìm đến hỏi han mình cả. Trường đã cung cấp đầy đủ chỗ ăn- chỗ ngủ-chỗ học thì mình phải tận dụng để phát huy. Hai năm sau, mình không đứng rửa chén nữa, mà làm trợ giảng đứng giảng bài cho 1 lớp toàn các bạn người Mỹ.
10 năm sau, mình đang ở Harvard. Hằng ngày đi ngang qua Harvard Square thấy người ta ăn uống cười đùa cũng muốn tham gia, nhưng một bữa ăn ở quán bằng mình tự nấu 5 bữa.
Cũng có người không chơi với mình. Nhưng còn cả tấn việc khác để làm ở ngôi trường già nhất của Mỹ này, đâu nhất thiết cứ phải đi hòa nhập với họ?
Họ cứ vào lớp học chung đi, xem có dám xem thường mình không?

Chia sẻ tuần 20: Liberal Arts, 1 ví dụ cụ thể

Liberal-arts-education1
Liberal Arts rất khó giải thích nếu không nhìn một ví dụ cụ thể. Mỗi trường Đại Học có chương trình và yêu cầu khác nhau, và mô hình của Harvard College có thể xem là 1 đại diện của Liberal Arts.
Để tốt nghiệp Harvard College và nhận bằng Cử Nhân (Bachelor), sinh viên phải hoàn thành ít nhất 32 khóa học (mỗi khóa kéo dài 1 học kỳ) và thỏa mãn 3 yêu cầu:
1. Giáo dục tổng quát (General Education) – khoảng 8 khóa
2. Ngành học chuyên sâu (Concentration/ Major) – khoảng 12-14 khóa
3. Xã hội hiện đại (Writing & foreign language) – khoảng 1-3 khóa
Điểm khác biệt căn bản của 1 chương trình Liberal Arts là: – Số 1, số 3: bắt buộc và chiếm đến gần 30% thời gian của sinh viên – Số 2: đến cuối năm 2 mới phải tuyên bố, và cuối năm 3 có thể thay đổi, chiếm 40% thời gian của sinh viên. Ngành học chuyên sâu thường không đào tạo nghề cụ thể như Accounting, Law, Medicine, Hotel Management…
Còn khoảng 30% khóa học còn lại sinh viên được tự do chọn bất cứ môn học nào. Một số bạn học dùng 30% này để lấy thêm ngành học chuyên sâu thứ 2 (double concentration/ major).
1. Giáo dục tổng quát có 8 mục bao gồm kiến thức và kỹ năng căn bản từ Khoa học đến Xã hội nhân văn. Sinh viên phải học ít nhất 1 khóa học cho mỗi mục.
1/ Aesthetic and Interpretive Understanding; 2/ Culture and Belief; 3/ Empirical and Mathematical Reasoning; 4/ Ethical Reasoning; 5/ Science of Living Systems; 6/ Science of the Physical Universe; 7/ Societies of the World; 8/ United States in the World
2. Ngành học chuyên sâu gồm 48 ngành để lựa chọn, sinh viên chọn 1 ngành học hoặc tự thiết kế ngành học cho mình bằng cách kết hợp các ngành khác nhau.
African and African American Studies, Human Developmental and Regenerative Biology, Anthropology, Human Evolutionary Biology, Applied Mathematics, Integrative Biology, Astrophysics, Linguistics, Biomedical Engineering, Mathematics, Chemical and Physical Biology, Mechanical Engineering, Chemistry, Molecular and Cellular Biology, Chemistry and Physics, Music, Classics, Near Eastern Languages and Civilizations, Comparative Literature, Neurobiology, Computer Science. Philosophy. Earth and Planetary Sciences. Physics, East Asian Studies, Psychology. Economics, Religion, Comparative Study of, Electrical Engineering. Romance Languages and Literatures, Engineering Sciences, Slavic Languages and Literatures, English, Social Studies, Environmental Science and Public Policy, Sociology, Folklore and Mythology, South Asian Studies, Germanic Languages and Literatures, Special Concentrations, Government, Statistics, History, Theater, Dance, and Media, History and Literature, Visual and Environmental Studies, History and Science, Women, Gender, and Sexuality, Studies of, History of Art and Architecture
3. Xã hội hiện đại
Writing: sinh viên năm 1 phải học ít nhất 1 khóa expository writing
Foreign Language: phải thông thạo một ngôn ngữ ngoài English

Chia sẻ tuần 19: Học sinh ở Mỹ học Sử như thế nào, có khổ như ở Việt Nam không?

CCSS-4common_core_blog_salon_wordle1
Đang có một cuộc thảo luận nảy lửa về các vấn đề liên quan đến môn Lịch Sử, và có người nhắn tin hỏi là học sinh ở Mỹ học Sử như thế nào, có khổ như ở Việt Nam không.
Khi hỏi câu hỏi này, có vẻ người hỏi đang giả định rằng ở Mỹ trường nào cũng giống nhau (và cũng đều tốt hơn tất cả các trường ở Việt Nam).
Bài học rút ra sau một thời gian đi học là khó có thể nói chung quy bất cứ điều gì về giáo dục Mỹ. Ở Mỹ có nhiều hơn 100 ngàn trường giàu/nghèo/công/tư, mỗi trường có mission (sứ mệnh) khác nhau. Mỗi bang tự đưa ra những tiêu chuẩn riêng, nên phương pháp dạy và học, giáo trình, tài liệu cũng khác nhau.
Những năm gần đây, bộ giáo dục Mỹ lại có bước tiến (hay bước lùi?) khi đẩy mạnh tiêu chuẩn chung cho toàn quốc, hao hao giống với sách giáo khoa ở Việt Nam.

Tiêu chuẩn này có tên gọi là Common Core: http://www.corestandards.org/

Cùng với Common Core là những bài Tests đánh giá chung toàn quốc, hao hao giống kỳ thi tốt nghiệp ở nhà mình. Hai trong số những kỳ thi đó là:

PARCC: http://www.parcconline.org/

SBAC: http://www.smarterbalanced.org/prac…

Bạn nào có thời gian nghiên cứu so sánh xem trình độ của mình đang ở đâu so với những gì bộ giáo dục Mỹ đang định hướng thì có thể tham khảo chương trình và những bài tests này.
Hiện Common Core vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Còn câu hỏi trong tựa đề thì sẽ dễ trả lời hơn nếu tìm hiểu một số trường phổ thông ở Mỹ và đánh giá riêng lẻ.

Chia sẻ tuần 18: Đọc như 1 giáo sư

 

litTrong quyển sách “How to read literature like a Professor”, Thomas C. Foster chia sẻ khi giáo sư đọc thì họ sẽ phân tích trong đầu ngay.

MEMORY: tôi đã từng gặp tình huống này ở đâu rồi

SYMBOL: tôi biết sự vật/ sự việc này tượng trưng cho cái khác

PATTERN: tôi đoán được việc gì xảy ra tiếp theo

 

 

 

 

HÀNH TRÌNH

Mỗi hành trình đi là một cuộc kiếm tìm. Vì thế cách dàn dựng cốt truyện thường có 5 yếu tố:

1) Người đi kiếm tìm

2) Một nơi cần đến

3) Một lý do ban đầu để đến đó

4) Thử thách chông gai

5) Lý do thực sự của chuyến đi

Trong mỗi tác phẩm văn học, nhân vật chính cuối cùng được khai sáng về… chính mình.

ĂN UỐNG

Mỗi khi tác giả tả cảnh ăn uống, tác giả đang muốn gián tiếp thể hiện mối quan hệ của những người trong truyện.

MA QUỶ

Ma quỷ không chỉ đơn thuần là ma quỷ, chúng thường tượng trưng cho những thói hư tật xấu của con người.

THẤY QUEN QUEN

Không có tác phẩm nào là hoàn toàn mới mẻ, vì các tác giả đều chịu sự ảnh hưởng của những người đi trước. Và thực sự, trên đời này chỉ có 1 câu chuyện khổng lồ.

SHAKESPEARE

Có cảm giác các đôi trai trẻ trong quyển tiểu thuyết nào cũng giống Romeo và Juliet?

 KINH THÁNH

Truyện này sao giống giống Cain & Abel?

TRUYỆN CỔ GRIMM

Các tác giả sau kể về những người trẻ lạc lối dường như dùng 1 phần của những câu truyện cổ tích.

THẦN THOẠI

Cũng lấp ló đâu đó những truyền thuyết.

MƯA VÀ TUYẾT

Thời tuyết cho ta nhiều liên tưởng. Mưa như là được gội rửa để làm con người mới. Còn tuyết?

ĐỨNG CẠNH ANH HÙNG

Anh hùng sống đến cuối truyện còn những ai xuất hiện gần bên thì tự hiểu số phận của mình.

(Còn nữa)

 

 

 

Chia sẻ tuần 17: Tìm hiểu ý kiến của 50,000 nhà tuyển dụng

Năm 2012, The Chronicle of Higher Education and American Public Media’s Marketplace thu nhập ý kiến từ 50,000 nhà tuyển dụng để tìm hiểu vai trò của Đại Học trong việc phát triển sự nghiệp.

The Role of Higher Education in Career Development: Employer Perceptions

Bảng thống kê này có thể trả lời một số câu hỏi thú vị sau:
1. Giữa kinh nghiệm và học vấn, các nhà tuyển dụng chú trọng cái gì hơn?

2. Yếu tố gì quan trọng nhất khi tuyển dụng sinh viên mới ra trường?

3. Kỹ năng gì mà các trường Đại Học nên tập trung cải thiện cho sinh viên nhất?

4. Sinh viên đi xin việc nên tập trung vào điều gì nhiều nhất?

5. Các nhà tuyển sinh thích tuyển sinh viên tốt nghiệp từ những loại trường nào nhất?

6. Danh tiếng của trường có quan trọng không?

7. Ngành học gì ở đâu cũng cần tuyển?

8. Các nhà tuyển dụng thông qua cách nào để tìm hiểu bạn online?

9. Nếu không có việc trong ngành mình thích thì phải làm sao để tăng cơ hội?

TRẢ LỜI

1. Khi đánh giá 1 thí sinh, các nhà tuyển dụng chú trọng kinh nghiệm làm việc hơn học vấn.

Capture 1

2. Thực tập và kinh nghiệm làm việc khi đang học Đại Học là yếu tố được coi trọng nhất bởi các nhà tuyển dụng

Capture 2

3. Theo các nhà tuyển dụng, các trường Đại Học chưa đào tạo tốt cho sinh viên ra trường kỹ năng truyền đạt (nói và viết) và đưa ra quyết định.

Capture 3

4. Hai việc mà sinh viên ra trường có thể làm tốt hơn: tìm hiểu kỹ về công ty và rèn luyện kỹ năng phỏng vấn

Capture 4

5. Các nhà tuyển dụng thích tuyển sinh viên từ các trường Đại Học Công mạnh nhất mỗi bang, tiếp theo là đến các trường Đại học tư thục.

Capture 5

6. Danh tiếng của trường quan 1/3 các nhà tuyển dụng sẽ không tuyển từ các trường không tên tuổi.

Capture 6

7. Business và IT có thể vô làm bất cứ ngành nào.

Capture 7

8. Linkedin là công cụ để nhà tuyển dụng xem bạn như thế nào online.

Capture 8

9. Thực tập không lương và làm tình nguyện có lợi đối với những bạn không tìm được việc trả lương trong ngành mình muốn.

Capture 9

 

Chia sẻ tuần 16: Phương pháp dạy và học 1 số lớp ở Harvard

Khẩu hiệu của trường Education là “Learn to Change the World” nên giáo sư luôn khuyến khích sinh viên học từ người thật- việc thật, sau đó đặt mình vào những vị trí quan trọng trong giáo dục để thiết kế và đề xuất ra phương án mới để cải thiện tình hình hiện tại với mục tiêu mang đến nền giáo dục đẳng cấp và công bằng cho trẻ em.

Để học tốt, sinh viên cần trau dồi kỹ năng phân tích, tổng hợp, phản biện những tư liệu có sẵn. Sau đó sinh viên phải phát huy tối đa khả năng sáng tạo để vận dụng vào giải quyết các vấn đề trong đời sống thật. Cuối cùng, sinh viên phải luôn làm việc nhóm và đề cao các giá trị đạo đức khi cân nhắc những đề xuất chính sách mới có ảnh hưởng đến tương lai của một thế hệ trẻ đa dạng về xuất xứ, tầng lớp, năng lực và nhân cách.

maxresdefault

Khóa học Phương pháp dạy Phương pháp đánh giá
Education Policy

 

– Đọc 100-200 trang/ tuần

– Đầu khóa, giáo sư phát cái công cụ này và thăm dò ý kiến. Capture Cuối khóa giáo sư lại thăm dò ý kiến cho cùng câu hỏi và so sánh xem sinh viên đã thay đổi quan điểm như thế nào.

– Sinh viên được chia nhóm và phải gặp trước mỗi buổi Lecture để thảo luận và nộp bài online.

– Mỗi tuần gồm 1 buổi Lecture và 1 buổi Discussion

+ Lecture: giáo sư giảng bằng powerpoint

+Discussion: lớp chia nhóm thảo luận chính sách mới hoặc hùng biện về các vụ kiện.

 

– 1 analysis paper: so sánh ý kiến của nhiều tác giả về 1 chủ đề

– 2 policy memos: đóng vai 1 người quan trọng đề xuất chính sách mới

Leadership & Entrepreneurship – Đọc 40 trang/ tuần

– Sử dụng case về người thật việc thật

– Giáo sư hỏi câu hỏi, sinh viên giơ tay trả lời, giáo sư tóm tắt trên bảng

– Cuối giờ skype với các nhân vật trong case

– Chơi các trò chơi: Electric Maze, Survival in the Desert

– Tham gia trong lớp: 40%

– 1 midterm paper: phân tích 1 case mới

– 1 final paper: Lý thuyết lãnh đạo khởi nghiệp của bạn là gì?

Charter School – Đọc 50-100 trang/ tuần

– Tham quan 1 trường trong vòng 8 tiếng

– Giáo sư giảng bài bằng powerpoint 1/3 thời gian

– Sinh viên theo cặp thay phiên nhau thiết kế và lãnh đạo các buổi thảo luận 1/3 thời gian

– Mời guest speakers trong ngành đến diễn thuyết 1/3 thời gian

– 1 midterm paper tường thuật buổi tham quan trường

– 4 briefs: thiết kế ngôi trường của riêng mình

– 1 prospectus: thiết kế ngôi trường của 1 nhóm 4 người

 

Applied Data – Đọc 0 trang/ tuần

– Giáo sư giảng bài 100% bằng powerpoint

– Sinh viên đi session để gặp trợ giảng hỏi bài

– 6 homework làm theo cặp

– 1 final project tự đặt câu hỏi và xây dựng mô hình để trả lời

College Admissions – Đọc 50 trang/ tuần

– Giáo sư giảng bài bằng powerpoint và đặt câu hỏi

– Sinh viên giơ tay trả lời

1 midterm paper: viết bài báo cho Nytimes

1 final paper: đóng vai trưởng ban tuyển sinh đề xuất chính sách mới

Chia sẻ tuần 14: Bóng ma trong tuyển sinh Đại Học Mỹ

Ghosts là những bộ hồ sơ nộp cho vui chứ hoàn toàn không có quan tâm hay đam mê gì về trường. Vì Common Application cho phép nộp 20 trường, nên 1 trường thứ hạng không cao lắm chắc chắn có nhiều ghosts nộp hồ sơ. Ban tuyển sinh có thể dùng cảm tính biết là ghosts nếu đậu sẽ không đi học.

Một ví dụ là trường Đại Học Drexel. Sau 1 thời gian quảng bá rầm rộ, lượng thí sinh nộp hồ sơ cao chót vót, nhưng sau đó lại không giữ chân được sinh viên như mong muốn. Bài báo mới năm 2015, Why Drexel U. Tamed Its Application Monster, cho biết trường đang có chiến lược mới để giảm số lượng ghosts trong năm nay.

24539038-Ghosts-clip-art-Vector-cartoon-illustration-with-simple-gradients-Each-pose-in-a-separate-layer--Stock-Vector

Vì sao ban tuyển sinh Đại Học sợ ghosts?

Trong khi các thí sinh quan tâm mình có được nhận không thì ban tuyển sinh lo lắng xem thí sinh được nhận rồi có nhập học không. Nếu số lượng sinh viên nhập học không đủ chỉ tiêu sẽ ảnh hưởng lớn đến vận hành của trường trong vài năm tiếp theo. Vì thế, họ muốn nhận những bạn nào không chỉ xuất xắc về thành tích, có cá tính đặc biệt, mà còn có khả năng sẽ nhập học cao.

Trường sẽ làm gì với ghosts?

Có lợi Bất lợi
– cho thêm học bổng để bạn nhập học dù bạn được trường có thứ hạng cao hơn nhận – loại thẳng tay

– cho vô waitlist và chờ cho đến ngày 1 tháng 5 xem đã nhập học đủ chưa mới đến lượt bạn

– cho ít tiền hơn bạn cần, vì họ nghĩ dù sao bạn sẽ không nhập học

 

Làm sao để tránh bị coi là ghosts?

Nếu bạn hiểu vấn đề thì sẽ trả lời được câu hỏi này. Bạn có đang nhắm mắt rải đơn không?

Chia sẻ tuần 13: Cách đánh giá Essays trong bộ hồ sơ Đại Học Mỹ

Essays là một phần quan trọng của bộ hồ sơ du học Mỹ. Quan trọng như thế nào? Mỗi trường sẽ có cách cân đo khác nhau.

Tuy nhiên 1 điểm chung là Essays không được đánh giá riêng lẻ mà luôn được đặt cạnh những phần khác của bộ hồ sơ. Điều này có nghĩa là Essays sẽ khó cứu được những bạn có thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa không đạt yêu cầu.

*Essays thường có lợi cho những bạn thuộc nhóm gần Top khi trường chỉ còn vài ghế trống.

Mỗi trường sử dụng những tiêu chí khác nhau để đánh giá Essays. Đây chỉ là một ví dụ đến từ quyển sách “College Admissions in the 21st century”.

kaleidoscope-glasses-future-eyes-prism-crystal-vision.gif

Dự án Kaleidoscope của trường Đại Học Tufts thêm một số câu hỏi phụ đặc biệt (thay đổi hằng năm) vào bộ hồ sơ tuyển sinh.

Kaleidoscope questions for the classes of 2011-2014.

Mục tiêu là đánh giá ý tưởng của thí sinh để hiểu thêm về những khả năng khác ngoài học thuật:

Analytical – hiểu đúng vấn đề

– cân đo những ý trái chiều

– diễn đạt trôi chảy logic

Creative – khác biệt

– thêm giá trị cho những gì đã có sẵn

– phù hợp với yêu cầu

Practical – có thể thực thi trong điều kiện hạn chế

– có tính thuyết phục và đáng theo đuổi

Wisdom-based – thúc đẩy lợi ích chung

– cân bằng giữa cái tôi và cộng đồng

– cân bằng giữa ngắn hạn và dài hạn

– chứa đựng phẩm chất đáng quý như chân thành, biết ơn, quan tâm, hướng thiện…

 

Không có nguyên tắc chung nào cả, nhưng sau khi viết xong bài luận, các bạn hãy đặt mình vào vị trí của 1 người lạ và tự hỏi: “Tôi vừa nghe chị/ anh này trình bày ý tưởng. Tôi có muốn gặp chị/ anh này ngoài đời không?”

Hãy đọc những bài essays được Tufts cho là thành công và trả lời câu hỏi trên: Tôi có muốn gặp chị/ anh này ngoài đời không?

Tufts: Past Essays That Mattered