Năm nay, 3/3 thí sinh quốc tịch Việt Nam được nhận vào Harvard đều là con gái.
Nhưng mà hình như con đầu lòng người ta (người Việt) thường thích có con trai, vì yên tâm có cháu nối dõi tông đường, các con sau sinh con gì cũng được. Lỡ con đầu là con gái thì lo lắng nếu con thứ 2 cũng là con gái thì phải đẻ nữa để có con trai.
Phải công nhận rằng giữa con trai và con gái có một sự khác biệt, chưa tính các quan niệm định kiến của xã hội. Ngày xưa cấp 2, ba là đứa nhỏ con nhất lớp, nhưng chạy thể dục vẫn nhanh hơn bạn gái cao khỏe nhất, ba đã cảm nhận thấy sự khác biệt về thể lực giữa con trai và con gái rồi. Khi chứng kiến cảnh mẹ đau bụng mỗi tháng mặt mày tái xanh tái mét thì ba cũng cảm nhận thêm sự khác biệt về thể chất và tâm lý này. Trong những tháng trước và sau khi mẹ sinh con, mẹ không thể làm gì khác ngoài ăn uống tẩm bổ nghĩ dưỡng, trong khi ba vẫn duy trì học tập và công việc bình thường, ba thấy thêm một sự khác biệt về cơ hội và thời gian nữa.
Nhưng ba còn nhớ như in hình ảnh của những người con gái làm ba ngưỡng mộ hết mình:
• Năm lớp 5, cô Oanh cao hơn ba 1 cái đầu tự tin lãnh đạo các hoạt động tập thể.
• Năm 2000, khóa được học bổng ASEAN du học Singapore của ba có 8 con trai và 15 con gái. Tự xung phong lãnh đạo nhóm là cô Hà, học siêu giỏi là cô Thêu vào Harvard, và sau này ra trường các cô đều nhanh chóng vươn lên vị trí cấp cao của các công ty.
• Năm 2008, khi kinh tế Mỹ xuống tận đáy, cô Phương vẫn được việc ở công ty xem như là tốt nhất cho sinh viên mới ra trường.
• Năm 2013, mẹ leo núi Fansipan hừng hực khí thế, bỏ xa ba nhiều lần. Nhận thức của ba lúc trước về khác biệt thể lực là sai lầm.
• Năm 2014, ba hoàn toàn tin tưởng cô Ngọc về năng lực và phẩm chất để cùng làm giáo dục, từ chối kha khá lời mời hợp tác của nhiều người thành đạt khác.
Con à, ba không hiểu biết nhiều về phong trào nữ quyền, nhưng ba sẽ không để bất cứ vật cản nào ngăn con không thực hiện được ước mơ của mình chỉ vì con là con gái.
Con chỉ đơn giản là con của ba mẹ, là thiên thần của mọi người.
***
Năm nay Harvard nhận 3 bạn nữ quốc tịch Việt từ cả 3 miền Bắc, Trung và Nam.
Câu chuyện về cô bé người Hà Nội trên báo chí tôn vinh người cha với tựa đề “Ước mơ 13 năm của cha và 2 con gái cùng học Harvard”. Đã từ lâu, người cha đọc cuốn sách “Em phải đến Harvard học kinh tế” và choáng bởi thông tin “vào Harvard khó hơn lên trời”. Người cha ao ước sau này con mình vào được Harvard, gia đình không giàu có nhưng luôn đầu tư hết sức cho con.
Câu chuyện về cô bé người Quảng Ngãi không đề cập đến người cha, nhưng đọc lời tâm sự của cô bé cũng đủ thấy thấp thoáng tư tưởng của người đàn ông đã đồng hành cùng em suốt 17 năm qua: Với các bậc phụ huynh, em nghĩ nên hỏi “Tính cách, và hoạt động của con tôi như thế này, thì môi trường ở đâu là tốt nhất cho con tôi phát triển?”
Câu chuyện về cô bé người Sài Gòn sẽ là một liều cảm hứng mạnh, nhưng phải đợi nhân vật chính kể câu chuyện của mình trước.
***
Con à, dù những người cha có được tôn vinh trên mặt báo hay không, thì có lẽ cách đây 18 năm họ đã từng suy nghĩ giống như những gì ba đang nghĩ: “Ba không hiểu biết nhiều về phong trào nữ quyền, nhưng ba sẽ không để bất cứ vật cản nào ngăn con không thực hiện được ước mơ của mình chỉ vì con là con gái”.
Có người tuyên dương ba đang “tìm bình đẳng” cho con gái. Nhưng như vậy có nghĩa là ba chỉ đang cố gắng tạo điều kiện cho con gái có được những cái gì mà xã hội nghĩ con trai hiển nhiên có. Được học hành bài bản, được trải nghiệm mạo hiểm, được bay cao bay xa, được thăng tiến lương bổng hậu hĩnh, hay được lập gia đình lúc nào mình thích?
Họ hiểu lầm ý của ba rồi. Thông điệp của ba là những quyết định đầu tư và định hướng cho con sẽ dựa trên điều kiện của gia đình mình và tài năng sở thích của con, chứ không dựa vào giới tính của con. Nói cách khác, con sẽ được tự do theo đuổi đam mê của con không phải để bằng những đứa bạn trai khác, mà là để con sống cuộc đời con mong muốn (sau khi ba kiểm duyệt nhẹ nhàng).
Có người còn nói lời nói của ba làm những ông bố khác cảm thấy “xấu hổ”. Những ông bố khác vì sao phải xấu hổ? Họ thầm lặng làm rất nhiều việc sau tấm rèm để con gái của họ tỏa sáng. Phải công tâm mà nói họ có thể “gia trưởng”, nhưng chưa chắc là những người “trọng nam khinh nữ” nhất trong đại gia đình hay xã hội họ đang sống. Họ cũng đã từng là những đứa bé trai vô tri vô thức, lớn lên trong khuôn khổ đã được định sẵn, không có được trang bị kỹ năng để bứt phá khỏi những định kiến đã ăn sâu vào văn hóa xây dựng gia đình.
Có bao nhiêu bé trai được tạo điều kiện để chia sẻ việc giặt giũ bếp núc với mẹ từ nhỏ, được nghe chính mẹ ruột dặn dò là sau này con trai phải biết san sẻ việc xây tổ ấm với vợ mình?
Một cô bạn của ba đang học Tiến Sĩ ở Đại Học MIT bức xúc khi nghe 1 anh khuyên con gái đừng học cao quá sẽ khó lấy chồng. Nếu sau này có anh nào khuyên con như vậy, thì con cứ đáp lời rằng: Ba em bảo anh không xứng đáng làm con rể của ba, vì anh vô tình ngăn cản em không thực hiện được ước mơ của mình vì em là con gái.
Anh ấy có thể đi chỗ khác tìm vợ, còn con thì sẽ tiếp tục phát triển năng lực của mình ở Harvard (hay Williams hay bất cứ đâu con muốn!).