Học bổng toàn phần

Ngày 9 tháng 2, năm 2015

Hôm nay được tin cậu học trò được nhận làm internship hè ở Harvard. Mình chẳng có công lao gì lớn cả, nhưng thấy hãnh diện vì đã từng đặt một viên gạch nhỏ trên con đường chinh phục đỉnh cao của bạn ấy. Có lẽ viên gạch lớn nhất là học bổng toàn phần ở một trường Liberal Arts College bé xíu nhưng nằm trong list “Colleges that change lives”.

Là người cũng nhận được học bổng toàn phần suốt 10 năm du học, mình luôn tự hỏi vì sao lại có “free lunch” như vậy, mặc dù môn Kinh Tế học luôn khẳng định rằng cái đó không tồn tại. Ra đời không lâu, bài học mình rút ra được từ những cọ xát trong xã hội là không ai tìm đến mình mà không có mục đích. Và cũng chính như vậy mà người ta mới mang điều tốt đẹp đến cho nhau (mình lại lý tưởng hóa cuộc sống rồi!).

Vậy sự cao thượng của những người cho học bổng toàn phần mang lại cho họ điều gì? Ngoài những nguyên nhân hiển nhiên như thu hút và giữ chân nhân tài (như Singapore của 10 năm trước), làm đa dạng cho trường (để dễ xin tiền của nhà tài trợ) thì hình như họ có sự lạc quan về tiềm năng của người nhận được học bổng toàn phần.

Ba năm trước mình quan sát được ngay sự nổi bật của một cậu bé miệt mài vật lộn với SAT mặc dù bạn là dân chuyên Hóa. Đọc lướt qua bài essay thấy bạn thực sự khao khát trở thành một bác sĩ mang hạnh phúc đến cho đời. Bạn trẻ nào cũng tuyên bố được như vậy, nhưng không phải bạn nào cũng thể hiện được tiềm năng của mình. Họ tin câu chuyện của bạn và họ muốn đặt một viên gạch lớn giúp bạn xây dựng ước mơ đó.

Có lẽ những người cao thượng kia chỉ mong muốn có ai đó tiếp tục đặt những viên gạch nhỏ tiếp theo. Theo cấp số nhân, chẳng bao lâu sẽ có một lâu đài (mình lại lý tưởng hóa cuộc sống rồi!).

Còn 4 tháng nữa, những học trò đầu tiên mình dạy ở Việt Nam sẽ tốt nghiệp Đại Học Mỹ. Mình sắp có một lâu đài rồi. Mình tin như thế!

Ngày 15 tháng 8, năm 2015

cartoon1Sáng nay cậu học trò tag mình trên Facebook. Mình nói là “hiểu chết liền”, trong lòng hân hoan vì biết đâu một ngày nào đó chính mình sẽ được cứu sống bởi công trình khoa học của cậu ấy.

Harvard Medical School research presentation. Crystal structure of T-cadherin-adiponectin complex reveals the protective functions of adiponectin on vasculature

Advertisement

Thông minh, tài giỏi như cô sao rốt cuộc lại đi dạy?

Ngày 19 tháng 6 năm 2013

Sáng nay một cô giáo bức xúc nói với tôi là sau khi giới thiệu bản thân trước lớp, một cậu học trò thẳng thừng hỏi: “Thông minh, tài giỏi như cô sao rốt cuộc lại đi dạy?”

Sáng nay một cô giáo khác rơi nước mắt chứng kiến cảnh học trò không thể truyền đạt được ý tưởng đơn giản nhất.

Sáng nay một cô giáo nữa vì quá quan tâm đến học trò mà bị chính bọn chúng phàn nàn.

Cartoon of a boy and a teacher. The boy says, "Everyone thinks I am wise until you call on me and I have to open my mouth!" I based this cartoon on Proverbs 13:3
Cartoon of a boy and a teacher. The boy says, “Everyone thinks I am wise until you call on me and I have to open my mouth!”
I based this cartoon on Proverbs 13:3

Đó là những trắc trở thường gặp trong nghề giáo, cũng như cái lần một cậu học trò (rất ngoan) lại vô tình nói đùa: “Xin lỗi, anh chỉ là một thằng dạy SAT”, mô phỏng theo cái trào lưu “bán bánh giò”.

Là một quản lý giáo dục, tôi có trách nhiệm lớn trong việc thay đổi thành kiến của một vài cá nhân về cái nghề cái nghiệp này, một mặt để động viên các đồng nghiệp tin tưởng hơn vào những giá trị mà họ đang theo đuổi, một mặt để học trò có cái nhìn tổng quát và sâu sắc hơn về bản chất của giáo dục.

Thứ nhất, giảng viên phải là những người thông minh và học giỏi. Thử hỏi bạn có muốn học một người thầy tối dạ, không vững kiến thức và bản thân không có phương pháp học hiệu quả không? Vì thế,  ngành giáo dục có nhiều tài năng là chuyện hết sức bình thường.

Thứ hai, học thức và công việc có liên quan, nhưng không đối xứng với nhau. Để lựa chọn công việc và tồn tại lâu dài cho đến khi đạt được sự nghiệp, học thức chỉ chiếm khoảng 50%. Phần còn lại phụ thuộc vào tính cách, năng khiếu, sở thích, tham vọng, quan hệ xã hội- tất cả đều là những yếu tố tạo nên sự khác biệt cho mỗi người. Vì thế, không phải cứ học giỏi, thông minh là phải đi kinh doanh bất động sản.

Thứ ba, giảng viên có một thứ mà các nghề khác không có: đam mê về giáo dục. Chính đam mê này đã làm cho họ rơi nước mắt vì những chuyện không hay, nhưng cũng nhanh chóng gạt nước mắt để theo đuổi cái đích cuối cùng: đó chính là cảm hóa (truyền cảm hứng và biến hóa nhân cách) của một tâm hồn trẻ.

***

Tôi bảo các cô giáo chỉ cần trả lời học trò: “Cô đi dạy vì giáo dục là đam mê của cô, và cô tin rằng các em luôn cần sự hướng dẫn của một người thông minh, học giỏi.” Và cứ tiếp tục say sưa với bài học hôm đó.

Phải mất nhiều năm thì thành kiến đối với nghề giáo mới thay đổi.

Phải mất nhiều năm để các em thốt lên:  “Bài học đầu tiên cảm ơn thầy thầy đã dạy”.

4 cách truyền lửa cho học trò

Gặp 10 phụ huynh thì 9 người gửi con nhờ thầy “truyền lửa”. Mình dạ dạ để họ an tâm, nhưng trong lòng thì băn khoăn suy ngẫm: Nếu sản phẩm của mình là lửa, thì phải sản xuất loại lửa gì, và làm sao để truyền đến các bạn trẻ?

Fire-image

Các bạn trẻ đâu có thiếu lửa. Các bạn có thể ngồi tán chuyện hàng giờ ở Urban Station trong tiếng nhạc xập xình. Các bạn cũng có lửa để ngồi 96 tiếng xem hết phim bộ Võ Tắc Thiên truyền kỳ, và sẵn sàng bỏ ra chừng đó thời gian trên Internet lùng sục những thông tin mà người lớn có thể không đồng tình. Sự tò mò và đam mê của giới trẻ được đặt ở một vị trí khác, và khoảng cách thế hệ đã làm người lớn nghĩ rằng như thế là “thiếu lửa”.

Khoảng cách thế hệ cũng làm cho những người “gõ đầu trẻ“ lâu năm mất lửa. Một thầy giáo 30 năm dạy học chia sẻ: “Ngày xưa thầy khó tính 10, thì bây giờ chỉ còn 1 phần. Thầy chỉ thấy tội nghiệp cho cha mẹ của bọn trẻ.” Bây giờ khi thấy học trò lười học, thầy chỉ phớt lờ. Những bài giảng của thầy về “có công mài sắt” cũng bị cho là một bài ca lỗi thời, vì các bạn trẻ tin rằng có cha mẹ lo là sẽ “nên kim” thôi. Thầy buồn rằng mọi người đang sống trong một thế giới ảo, và thầy cũng không còn lửa với nghề nữa rồi.

Phụ huynh tìm đến mình với mong muốn “truyền lửa”, nghĩa là họ nghĩ mình đang có lửa. Lửa của mình cập nhật xu hướng mới, nhưng cũng không thể đi ngược lại với những giá trị cốt lõi của thế hệ trước. Để tìm cách truyền lửa, mình phải lê la ngồi thử ở Urban Station và kiên nhẫn xem phim của Phạm Băng Băng, nhưng cũng há hốc mồm ngồi nghe câu chuyện lập nghiệp của phụ huynh 20 năm về trước khi con họ chưa chào đời (lúc Sài Gòn đang oằn mình vùng vẫy để có được- hay có kết cục- như ngày hôm nay).

Một buổi thảo luận với một thầy giáo 8x khác đã tạm cho mình một công thức đơn giản để “truyền lửa”:

INSTINCT- Người thầy phải có sẵn lửa trong người. Lửa đó có thể đến từ giọng nói lúc to vang, lúc trầm lắng để tạo kịch tính trong giao tiếp với các bạn trẻ. Lửa đó cũng có thể thể hiện qua sự nhí nhảnh, khiếu hài hước pha trộn với sự chững chạc trong lối tư duy.

ATTITUDE- Người thầy phải nghiêm túc. Khi đứng trên bục giảng, người thầy cần nhớ tới quan niệm của Turgot: “Điểm thiết yếu của sự giáo dục trước tiên là phải làm gương”. Bây giờ có mạng xã hội, thì ngoài bục giảng, từng lời nói, hình ảnh, chia sẻ của thầy trên Facebook cũng phải chau chuốt (nhưng không quá áp đặt tư tưởng để bị các bạn trẻ phê bình là đang “dạy đời”).

CARE- Người thầy phải hiểu trước khi đến lớp các em đã phải trải qua những chuyện gì: một ngày tồi tệ vì kiểm tra môn Văn ở trường, hay vừa cãi nhau với một bà già trên xe buýt. Rồi thầy cũng phải hiểu cách làm việc của từng em thông qua những hoạt động khác nhau: có em phải hiểu kỹ rồi mới làm, có em hấp tấp làm cho xong rồi ngồi rung đùi. Từ đó thầy mới tìm cách khác nhau để các em đều đến đích dù con đường đi của mỗi em khác nhau.

SELF-LESSNESS- Người thầy phải hi sinh thời gian cá nhân để tạo động lực và trải nghiệm mới cho các bạn trẻ. Có thể là thức đến 1 giờ sáng để sửa bài cho học trò sau khi tuyên bố: gửi càng nhiều càng tốt nha mấy em. Hay có thể là tình nguyện bỏ 1 kỳ nghỉ đông để dẫn một “đàn vịt con” lên những vùng xa xôi giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. (Người thầy như thế hồi giờ mình mới gặp có một, nên thôi phần này bỏ ra khỏi công thức để khỏi áp lực cho những người thầy khác.)

Quay lại người thầy 30 năm mà mình đã trò chuyện, việc thầy phớt lờ sự lười học những bạn trẻ chứng tỏ thầy không còn CARE như trước đây. Thật là một nghịch lý của nghề giáo: khi thầy CARE thì trúng thế hệ chịu khó, còn khi thầy không CARE thì trúng thế hệ ít chịu khó. Đó là lý do vì sao phụ huynh ngày nay đi tìm những thầy có khả năng “truyền lửa”.

Không làm phức tạp hóa cuộc sống của các em

4SSFz3R

Trong tự truyện của mình, Nick Vujicic đã tiết lộ một sự thật tuyệt vời nằm ở trung tâm của sự sống. Thật kỳ quặc khi trường học không dạy sự thật này:

Mỗi chúng ta có một món quà- một tài năng, kỹ năng, nghề thủ công, sở thích- cho chúng ta cảm giác phấn khởi và hứng thú, và con đường dẫn đến hạnh phúc thường nằm ở trong món quà đó. 

Hình tượng ẩn dụ này được Nick thể hiện qua câu chuyện làm diễn giả của mình. Một hôm, khi đang nói chuyện trước đám đông khoảng 300 học sinh tuổi teen, một cô bé đã xin phép được lên sân khấu để trao Nick cái ôm nồng hậu và thủ thỉ vào tai: “Chưa ai nói với tôi rằng tôi đáng yêu theo cách riêng của mình. Bạn đã thay đổi cuộc đời tôi, bạn cũng là một người rất đáng yêu.”

Sau một thời gian băn khoăn về giá trị của chính mình, cuối cùng Nick đã hiểu sự “khác lạ” có thể mang đến một điều đặc biệt cho thế giới. Nick chia sẻ rằng chỉ cần nhìn vào anh là người khác đã tin và chờ đợi một điều gì đó mà sẽ giúp họ đương đầu với khó khăn của riêng họ.

I did not lack credibility. Tôi đã không thiếu sự uy tín. 

Món quà cuộc sống quả thật kỳ diệu mà có thể người bình thường sẽ mất khá lâu để có thể tìm thấy. Hôm nay đọc chia sẻ dễ thương của cô bé học trò sau khi tham gia chương trình ART for Saigon, tôi cảm thấy tự hào vì em đã tìm được món quà đó.

Trước đây mình cứ sống với đam mê thế đó, thổi hồn vào những trang giấy trắng, nhưng hôm nay, được chia sẻ và truyền lại đam mê ấy với những em nhỏ quả là một trải nghiệm tuyệt vời! Suốt 2 buổi sáng chiều đi các nơi để dạy cho bọn trẻ, tuy mệt nhưng mình cảm thấy rất vui :”) Đi thì vừa dạy các bé vẽ, vừa học hỏi được nhiều thứ từ các bé. Mà không chỉ một mình, mình còn đước hợp tác với nhiều bạn tuyệt vời khác, nhất là phải cảm ơn rất nhiều anh chị đã kịp lúc “cứu vớt” workshop 1 ở giây phút chót *chấm nước mắt* ;__; Vừa đc sống trog đam mê, vừa làm được việc j đó có ích :”) Mình sẽ mãi ghi nhớ những khoảnh khác, những giây phút của ngày hôm nay…workshop 1 :”3 Art for saigon! (Trích FB Anh Thư) 

Giáo dục đơn giản là giúp từng bạn trẻ tìm được “món quà không chân tay” để bước thênh thang trên con đường đến hạnh phúc. Và thực sự rất đơn giản nếu chúng ta không làm phức tạp hóa cuộc sống của các em.

Sứ mệnh của giáo dục

true_goal (1)
1. Tình cờ đọc tâm sự của một cô bé học ở Singapore phàn nàn về việc giáo sư ĐH chỉ dạy những vấn đề sẽ xuất hiện trong bài thi. Hậu quả là học sinh ngừng khám phá những khía cạnh mới, vì họ chỉ tò mò mỗi một việc: Cái này có kiểm tra không hả thầy?

2. Ở Mỹ có 1 số môn khoa học cũng gặp phải tình trạng này. Những gì giáo sư không dạy coi như là không sợ kiểm tra.

Vì thế mới có cái gọi là liberal arts: sinh viên phải học những môn xã hội và hầu hết giáo sư bắt viết research paper, nên buộc sinh viên phải đọc sách, phân tích, tổng hợp, phản biện. Và cuối cùng họ được đánh giá dựa trên khả năng tư duy.

3. Khi qua Anh học, tôi thấy kỳ cục là 1 bài thi cuối năm đánh giá hết quá trình học. Kỳ cục nhất là tháng 12 hết học kỳ mùa thu, nhưng đến tháng 6 mới thi. Lúc đó ai cũng bỏ ra 1 tháng cày những cái mà chắc chắn giáo sư sẽ kiểm tra.

Cũng không khác Việt Nam là mấy, có điều bên Anh có thư viện và viện bảo tàng đa dạng để các bạn trẻ mộng mơ và đam mê khám phá thế giới hơn!

4. Bài thi chuẩn hoá như SAT dù bị chỉ trích nhưng ít ra khi học trò hỏi là cái này có trong bài kiểm tra không, tôi nói là KHÔNG biết. Và vì thế bạn nào chịu khó đọc sách nhiều bạn đó được điểm cao.

Và thú thật là tôi thích dạy môn Creative Writing, vì tôi thích sự chới với lạc lối của các bạn khi gặp câu hỏi: Tôi là ai? Nhưng chính sự khủng hoảng tinh thần này tạo cho các bạn cảm xúc thăng hoa khi đã hoàn thành xong bản vẽ thương hiệu của mình để trưng ở cửa hàng cho các trường Đại Học đấu giá cho học bổng.

5. Từ điều 1-4, tôi tạm kết luận là sứ mệnh của giáo dục là giúp học trò tìm câu trả lời cho câu hỏi của trường Stanford: What matters to you?

Muốn giỏi như thầy

6TrogpAkcHôm qua thầy mất 1 giờ đồng hồ soạn một bài kiểm tra từ vựng thật hay cho học trò, nhưng phản ứng của các bạn không được tích cực. Sau khi nghe các bạn than thở bài kiểm tra của thầy khó quá, thầy buột miệng nói một câu với ý hài hước: “Mọi người cứ học đúng những gì thầy giao cho thì sẽ không thấy bài kiểm tra khó. Muốn giỏi như thầy thì học đi, đừng than thở nữa!”

Nói xong về nhà suy nghĩ thấy câu nói của thầy thật là phản tác dụng. Câu nói đó lúc đầu thầy tưởng sẽ “truyền lửa-tạo động lực-gây cảm hứng” nhưng vô tình lại tạo cảm giác “lệ thuộc” cho học trò.  Các bạn sẽ suy nghĩ lệch lạc là chỉ cần học đúng những gì thầy dạy là đủ, và phải học với thầy mãi thì mới giỏi được. Vậy nên, bài kiểm tra của thầy lúc nào cũng cảm giác quá khó, vì phải đợi thầy “đút thìa” kiến thức thì mới hiểu.

Phụ huynh tìm đến thầy hay nói “đùa mà thật”: Tôi giao con cho thầy đó, thầy cố gắng nghiêm khắc với nó để nó thành tài. Và câu nói “tuyệt vọng” nhất mà thầy hay nghe từ phụ huynh: Thầy nói nó mới nghe, chứ cha mẹ là bó tay với nó rồi.

Ngày xưa làm quản lý đào tạo, thầy đã từng bị một vài giáo viên nước ngoài chỉ trích vì “đàn áp sự sáng tạo”. Họ trách vấn: Tại sao lại bày cho học trò từng bước để làm bài? Những cái gọi là “chiến thuật” đó làm cho học trò bị gò bó và không có sự khám phá những phương pháp khác nhau. Lúc đó thầy trả lời: Vì sao phụ huynh và học trò, họ tìm đến những thầy giáo như mình, chẳng phải là để mình chỉ cho từng đường đi nước bước để vượt qua chướng ngại vật hay sao.

Cuộc nói chuyện dừng lại ở đó, nhưng sau đó thầy vẫn luôn băn khoăn làm cách nào để biến lớp học của mình thành 1 sự hợp tác cùng tiến bộ, thay vì là 1 sự “lệ thuộc” vào một ngôi sao ngồi chính giữa vung tay chỉ trỏ.

Hôm qua có một anh bạn giỏi công nghệ chia sẻ điều này rất hay: không có thầy nào có thể dạy hết những gì mình muốn học để trở thành chuyên gia ở một lĩnh vực nào đó. Phải học từ nhiều thầy nhiều nguồn và tự học mới là quan trọng nhất. Học xong phải áp dụng sáng tạo cái của riêng mình thì mới nhớ được lâu.

Anh còn nói thêm là đi học Đại Học càng nhỏ đôi khi sẽ học nhiều điều hơn. Nghe nói được học ở trường Top với mấy giáo sư giải Nobel thì oai, nhưng mấy bác đó vô dạy cao siêu đến mức buồn ngủ: học lúc nào cũng thấy quá khó và không tiến bộ. Trong khi các giáo sư ít tên tuổi thì lại đồng hành cùng mình, để mình cảm thấy không có bài kiểm tra nào là quá khó, và tạo nhiều cơ hội hơn để mình luôn bận rộn khám phá kiến thức và rèn luyện kỹ năng.

Quan trọng là thầy phải truyền được cảm hứng để các bạn tự học thêm những thứ mà thầy không giao để phục vụ cho mục đích bạn muốn đạt được. Mong một ngày học trò sẽ không bao giờ nói bài kiểm tra của thầy quá khó, mặc dù nó thực sự khó dã man.