Viết lan man tháng 6

EQ vs IQ

Daniel Goleman đề cập đến 2 loại trí thông minh: trí tuệ và cảm xúc. IQ giúp bạn tốt nghiệp thành công, nhưng chưa chắc giúp bạn kiếm được việc tốt. EQ cho bạn nhiều thứ: động lực, sự tỉnh thức, niềm thấu cảm, và các mối quan hệ. Cảm xúc đôi khi lấn át lý trí. EQ giúp bạn giao tiếp tốt hơn với người khác, vì bạn hiểu được các tầng cảm xúc khác nhau của họ. EQ cũng giúp chúng ta lạc quan hơn vì chúng ta hy vọng vào tương lai. EQ giúp chúng ta định vị cảm xúc của bản thân, biết lắng nghe và quan tâm đến bản thân nhiều hơn. EQ giúp chúng ta giải quyết mâu thuẫn êm đẹp nhất. EQ giúp biến năng lượng tiêu cực thành tích cực, tăng cường tính sáng tạo và hiệu quả trong công việc. EQ giúp gia tăng chất lượng cuộc sống, giúp chúng ta lãnh đạo thấu hiểu lòng người, giúp chúng ta tạo dựng đội ngũ đoàn kết. EQ còn hỗ trợ chúng ta xử lý khủng hoảng và stress hiệu quả.

Theo quan sát cá nhân của mình, 22 năm đi học thì IQ luôn được người khác quan tâm thông qua bảng điểm và thành tích thi đua bạn đạt được. Nhưng xuyên suốt 22 năm đó có thể là sự chịu đựng những điều không theo ý muốn của mình để đạt được một cái đích nào đó. Những người không chịu được thường rút ra khỏi cuộc đua và câu chuyện của họ không còn được kể cho công chúng nữa. Nhưng không có nghĩa là EQ của họ không tốt. Có thể họ đã chọn được một điểm cân bằng cho cuộc sống và không có nhu cầu được trưng trổ IQ cho thế giới bên ngoài nữa. Đến năm 40 tuổi rồi mới thực sự biết rằng ai đã đi được 1 chặng đường dài mãn nguyện và hạnh phúc.

THE MARSHMALLOW TEST

Kiểm soát bản thân có nghĩa là trì hoãn sự thỏa mãn và chế ngự cám dỗ. Nó giúp mình tránh được nhiều lỗi lầm và tiếc nuối sau này có liên quan đến tài chính, quan hệ, sức khỏe, sự nghiệp. Lên kế hoạch và thực hiện từng việc một cho đến khi đạt mục tiêu. Kiên nhẫn.

Bản thân mình thấy cách để kiểm soát bản thân là thông qua việc kiềm chế thỏa mãn của 5 giác quan. Mình có viết một bài này trên Facebook, và mình xin đăng lại ở đây:

“MIỆNG 1

Con sẽ cho cái gì vào miệng? Có vệ sinh không? Có bổ dưỡng không? Cho vào miệng số lượng bao nhiêu và thời gian nào?

Nhìn chung là uống nhiều nước, ăn cân bằng các chất dinh dưỡng, tránh các món có nhiều gia vị chất bảo quản.

MIỆNG 2

Con sẽ phát ra tiếng nói gì từ miệng? Mỗi lời nói đều sẽ qua 1 vòng diễn dịch bởi người nghe, và việc chọn lọc từ ngữ là hết sức quan trọng.

Nhìn chung nếu từ ngữ nào làm tổn thương con thì con không nên dùng cho người khác.

MẮT / TAI

Con sẽ chọn nhìn và nghe những thứ gì? Cũng như thực phẩm cho vào miệng, những gì con tiếp nhận vào não có “vệ sinh” và “bổ dưỡng” không? Con có cân bằng được thời gian dành cho cảnh tự nhiên, sách vở và công nghệ không?

Nhìn chung nếu nhiều người nói cái gì “độc hại” thì con nên nhìn lại.

TAY

Con sẽ chờ đợi cẩn trọng hay chộp lấy ngay khi thèm một cái gì đó? Hầu hết việc sử dụng tiền bạc mua sắm hay truy cập công nghệ để tiêu thụ bất cứ thứ gì đều phải dùng tay.

Nhìn chung nếu tay đi sau não vài nhịp thì sẽ tránh nhiều điều làm ta hối hận.

CHÂN

Con sẽ đi đến những đâu để tìm cho mình những không gian phù hợp với bản thân? Ở nơi con sống có những sự lựa chọn đem đến năng lượng tích cực như công viên, phòng gym, quán ăn healthy, giải trí lành mạnh không?

Nhìn chung chân ta nên đưa ta đến những nơi làm ta thấy vui vẻ (tuy ranh giới với khoái lạc có phần mỏng manh).”

WIN EVERY ARGUMENT

Mehdi Hasan đưa ra một vài lời khuyên mỗi khi chúng ta rơi vào một cuộc tranh cãi. Bước 1 là cố gắng lắng nghe để hiểu đối phương có quan điểm gì, giá trị họ đang tin là gì, và tìm một cầu nối với giá trị của chúng ta. Bước 2 chính là tìm điểm chung mà 2 bên có thể đồng thuận. Bước 3 là tìm bằng chứng ngắn gọn và rõ ràng cho luận điểm của mình. Bước 4 chính là nhượng bộ, vì bên kia cũng đang sử dụng cùng các bước để thuyết phục chúng ta.

Trong bất cứ mối quan hệ nào, có lẽ chúng ta không thể nào thắng 100%. Mà thắng rồi làm đối phương hậm hực dè chứng thì bản thân mình cũng bất an, vì mối quan hệ đó không bền vững, dễ bùng nổ những cảm xúc tiêu cực sau này. Nên có lẽ trước khi có bước nào để thuyết phục người khác, mình thực hành lắng nghe trong sự tôn trọng, dành thời gian tĩnh lặng để suy nghĩ rồi hẳn nói.

Mình cũng có đăng 1 status về vấn đề lắng nghe này. Xin chia sẻ ở đây:

“Khi cảm xúc dâng trào thì đầu óc không suy nghĩ được thấu đáo, nên lời nói – hành động đều không đẹp, và hậu quả để lại rất nghiêm trọng.

“Amygdala hijack” là một thuật ngữ diễn tả tình huống bị cảm xúc lấn át sau khi bị một tác động bên ngoài. Hạch hạnh nhân (Amygdala) có chức năng xác định và điều chỉnh cảm xúc, nhưng đôi khi tạo phản ứng mạnh một cách tự động trước khi thùy trán kịp xử lý thông tin (Hijack).

Im lặng là vàng

Các nghiên cứu đều cho thấy có những lúc cần im lặng để vượt qua giai đoạn bị cảm xúc lấn át này.”

Leave a comment