CÁI NGÀY CÔ ẤY ĐẬU HARVARD (Sách)

49180886_226554541615288_4972396304161308672_n

Originial Soundtrack: Nghe 4 bài hát được lồng ghép của cốt truyện của quyển sách do Hoài Chung sáng tác và trình bày

***

ĐỔI “TRUYỆN NGẮN” LẤY SÁCH MỚI

Tuổi thơ có thể ai cũng đã từng đọc Harry Potter hay Kính Vạn Hoa, và cũng từng mơ mộng về một thế giới của riêng mình. Để khuyến khích các bạn giải phóng trí tưởng tượng, trò chơi này tạo điều kiện cho các bạn viết sáng tạo một câu chuyện ngắn hoàn chỉnh. Thông qua việc viết lách, trò chơi mong tìm ra những “nhà văn” còn ẩn nấu đâu đó trong mỗi chúng ta.

 

Tất cả truyện ngắn hợp lệ sẽ được tặng một quyển sách mới “Cái ngày cô ấy đậu Harvard” có chữ ký của tác giả Hoài Chung vào dịp Christmas năm nay.

Hạn nộp 31/1/2019. Nhấn vào link để xem THỂ LỆ TRÒ CHƠI. 

Trải nghiệm 4 năm giáo dục khai phóng

GIÁO DỤC KHAI PHÓNG (Liberal Arts)

Mình học Đại Học tại Williams College, một trường Đại Học đứng đầu trong hệ thống xếp hạng Liberal Arts College.

Nói về Liberal arts thì giải thích rất lâu cũng khó hiểu vì nó hơi trừu tượng. Nên mình lục lại 2 năm đầu mình học gì để minh hoạ:

Năm 1:
– Current Topics in Chemistry
– Basic Chinese
– Interpreting human experience
– Intro to Logic and Semantics
– Electronics
– Organic Chemistry: Intro Level
– Price and Allocation Theory
– Multivariable Calculus

Lúc mới bắt đầu năm 1, mình đặt mục tiêu sẽ trở thành một tiến sĩ Hoá Học, nên nhất định phải học Chemistry.

Bên cạnh đó trong yêu cầu phải học khoá Viết luận nhiều nên mình chọn khoá “Giải mã trải nghiệm con người”.

Trường yêu cầu phải học khoá môn Xã Hội & Văn Hoá nên mình học Chinese.

Trường cũng yêu cầu học khoá về Khoa Học Xã Hội nên mình học Economics.

Còn lại mình học Math & Linguistics, một môn vì nghĩ ai chẳng phải học Toán, còn một môn vì yêu thích ngôn ngữ.

Năm 2:
– Organic Chemistry: Inter Level
– Inter Chinese
– Macro Economics
– Fundamentals of Music
– Study Tour to Taiwan
– Digital computer & Communication
– Econometrics
– Linear Algebra

Đầu năm 2, mình tiếp tục học Chemistry, Economics, Chinese vì vẫn còn thích 3 môn này. Học thêm Music vì nghĩ mình biết hát và sáng tác.

Nhưng sau học kỳ 1 năm 2, thì mình quyết định bỏ Chemistry mãi mãi vì cảm thấy hàng giờ trong phòng thí nghiệm thật mệt mỏi và vô vị. Rồi được đi 1 chuyến học ngôn ngữ ở Đài Loan thì thấy mình thích việc bay nhảy hơn.

Mình tiếp tục khám phá môn mới là Computer Science, và học 1 khoá xong cũng tự đánh giá là mình không hợp với việc ngồi coding đến 2 giờ sáng.

Thế là cuối năm 2, mình quyết định chọn ngành học (major) là Economics, và dự định sẽ xin thực tập và việc làm ở ngân hàng đầu tư hay công ty tư vấn quản lý, vì thấy xung quanh ai cũng hồ hởi nói về investment banking & management consulting.

Đây là 1 nửa câu chuyện Liberal Arts. 1 nửa còn lại mình sẽ kể sau. Nhưng tóm lại, giáo dục khai phóng đầu tiên là khám phá tự do những gì mình đã đam mê, chưa đam mê và sẽ đam mê. Tự do nhưng trong một khuôn khổ yêu cầu phải có trải nghiệm đọc viết nghiên cứu, tư duy phân tích và phản biện, đón nhận sự đa dạng văn hoá.

Cuối cùng giáo dục khai phóng chỉ ra rằng bạn thực sự chưa hiểu gì về mình cả, nên cho cơ hội để bạn thay đổi kế hoạch. Miễn là do chính bạn quyết định và chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình.

williams 5

GIÁO DỤC KHAI PHÓNG (Liberal Arts) – Phần 2

Sau khi quyết định cuối năm 2 là sẽ chọn chuyên ngành Economics thì việc tiếp theo trong năm 3 là học các khoá nâng cao. Để hoàn tất major thì cần học tổng cộng 9-10 khoá.

Năm 3:
– 4 khoá Economics tại University College London, UK
– 2 khoá Economics tại Williams
– Asia and the world
– Investment Math

Một đặc điểm của Liberal Arts là không có đào tạo nghề. Vì thế học kỳ 1 năm 3, khi mình chọn qua London học thì không được học cái khoá mang tính nghiệp vụ như marketing, accounting, auditing hay business admin… Thế là mình học luôn 4 khoá Economics.

Nhưng càng học càng thấy chán, vì xung quanh chẳng ai quan tâm gì chuyện học hành mà chỉ lo làm sao có được thực tập và công việc giữa khủng hoảng kinh tế cuối năm 2007, đầu năm 2008. Đây cũng là lúc Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư nổi tiếng, sụp đổ.

Giữa cái thời cuộc rối răm đó, mình đã quyết định rút mình ra khỏi cuộc chơi, và chọn thêm một ngành khác để lấy bằng Đại Học 2 ngành: Double major in Economics & Chinese.

Trở về trường Williams học kỳ 2 năm thứ 3, mình đã học tiếp một số khoá học bắt buộc cho Chinese major, và khoá học mình yêu thích nhất chính là “Châu Á và thế giới”. Lúc đó, mình mới thấy ham học trở lại.

Trong khi đám bạn đang lao vào cuộc đua khắc nghiệt nhất thập kỷ để xin thực tập hè ở các công ty mà đến sếp lớn ở đó cũng bị sa thải, thì mình rẽ qua một lối đi khác: đi học Chinese 2 tháng ở Bắc Kinh hè 2008 trùng dịp Olympics.

Dự định cuối năm 3 là tung tăng cho đã rồi xin về trường cũ ở Singapore dạy Economics. Nghĩ rằng nếu giỏi Chinese nữa thì chắc sẽ có cơ hội gì đó.

Năm 3 là 1/4 tiếp theo của giáo dục khai phóng. Mình đã được chiêm nghiệm là giáo dục khai phóng (liberal arts) không đào tạo nghiệp vụ để bạn xin việc. Hầu hết các kỹ năng cứng bạn phải tự học hoặc sau này công ty đào tạo. Đây là điều mà nhiều phụ huynh và sinh viên không thích.

Nhưng thế giới thay đổi mỗi ngày, và thảm hoạ không biết khi nào ập tới, thì liệu học 1 nghề mong ra trường nghề đó sẽ hot và các công ty mời gọi liệu có phải là lựa chọn hợp lý cho một cô bé cậu bé tuổi teen hay không?

Giáo dục khai phóng trả lời là không, nhưng vài trường Liberal arts sau này cũng bị áp lực phải có đào tạo nghề nên thêm Engineering và Business vào chương trình học.

Không biết mình dũng cảm hay nhát gan khi bỏ cuộc chơi, nhưng bản thân mình thì thấy may mắn vì nhờ giáo dục khai phóng mà mình có thể chọn cái ngả rẽ khỏi đám đông để tiếp tục tìm ra ý nghĩa của cuộc đời mình. Ba mẹ chẳng biết gì, một mình quyết định tương lai, dù lúc đó thực sự rất mù mịt.

(Còn 1/4 nữa)

williams 3

GIÁO DỤC KHAI PHÓNG (Liberal arts) – Phần cuối

Năm cuối Liberal arts, sinh viên có 2 sự lựa chọn: Nộp cao học hoặc Xin việc làm. Nộp cao học thì thường là nộp thẳng tiến sĩ (PhD). Để chuẩn bị hồ sơ cần có kinh nghiệm nghiên cứu. Các trường liberal arts cũng tạo điều kiện tốt cho sinh viên làm việc trực tiếp với giáo sư vào mùa hè hoặc làm luận văn, nên hồ sơ cũng khá mạnh. Xin việc làm thì theo dõi website của trường xem có công ty nào đến tận trường tuyển để chuẩn bị hồ sơ xin việc, chứ cũng khó nộp đơn xin trực tiếp bên ngoài.

Mình nộp đơn về Singapore và chờ đợi, trong khi thằng bạn thân người Trung Quốc làm cả hai việc trên. Mỗi tuần nó vừa hì hục trong phòng thí nghiệm Vật Lý, vừa phải đạo mạo cho các cuộc phỏng vấn với các công ty. 6 tháng trôi qua, và chẳng đứa nào có việc.

Singapore không trả lời mình, còn thằng bạn bị hầu hết từ chối. Năm 2008 nghe bảo là H1B visa chẳng cần quay sổ số, vì không có nhiều người nước ngoài xin được việc (chứ bình thường chỉ có 1/3 đậu visa này).

Năm 4 việc học hành chỉ là thủ tục để xong cái bằng. Mình cũng học thêm môn Pschology & Linguistics để phục vụ cho việc đi dạy. Cuối cùng nhờ mối quan hệ từ Bắc Kinh mà mình xin được thực tập ở Bay Area cho công ty sách, và sau đó đi làm 1 năm ở một trường Trung Học nội trú Mỹ. Thằng bạn thân đi học tiếp tiến sĩ ở Princeton, nghiên cứu về… dark matter.

Trải nghiệm giáo dục khai phóng kết thúc ở đó. Nếu không học liberal arts, chắc chắn mình sẽ đang làm gì đó liên quan đến hoá học. Nhưng liberal arts làm mình loay hoay, chệnh choạng để tìm ra lối.

Sau đại học là thế giới khắt nghiệt, nhưng giáo dục khai phóng đã nhào nặn khả năng đón nhận cái mới và phân tích vấn đề một cách đa chiều, giúp bạn biến hoá theo thời cuộc.

Có người làm nghề giỏi. Họ sẽ có việc làm ổn định. Có người không có tay nghề, nhưng họ biết cách tổ chức và tận dụng những người làm nghề giỏi để tạo ra sự thay đổi tích cực cho thế giới. Có lẽ giáo dục khai phóng muốn bảo đảm là thế giới luôn tồn tại cả hai thành phần này. Để ai cũng hạnh phúc với việc mình làm, và lỡ có chuyện gì thì đừng đổ lỗi cho gia đình hay hoàn cảnh. Mình tự chịu trách nhiệm vì liberal arts đã cho bạn thay đổi quyết định hơi bị nhiều lần.

Hơn nữa, giáo dục khai phóng bắt bạn phải học cả đời. Muốn dừng lại cũng không được, nên ngày mai bạn lại nổi hứng đi tìm cái mới, và lại thay đổi xoành xoạch ý định cho mà xem!

The end!

williams 1

GIÁO DỤC KHAI PHÓNG (Liberal arts) – Phần Bonus

1. Ở đâu có giáo dục khai phóng?

Giáo dục khai phóng (liberal arts) là một triết lý giáo dục, chứ không phải chỉ là một loại trường Đại Học. Thường đặc điểm nhận diện là không phải chọn ngành từ đầu mà đến cuối năm 2 mới phải chọn, và giữa chừng có thể thay đổi ngành học. Ngoài ra, đặc điểm nhận dạng khác là yêu cầu phải học các môn học thuộc ngành khác, bảo đảm cho việc rèn luyện tư duy đa chiều.

Các trường Liberal Arts College (LAC) thì tất nhiên thiết kế chương trình học sẽ theo đúng kiểu liberal arts: https://www.usnews.com/…/ran…/national-liberal-arts-colleges

Tuy nhiên, các trường National Universities (NU) cũng có thể thiết kế chương trình theo cách tương tự: https://www.usnews.com/best-colleges/…/national-universities

2. Chuyện đi học lên cao học:

Dù học LAC hay NU gì cũng phải nộp lại hồ sơ từ đầu, chứ không có chuyện tuyển thẳng.

Giáo dục khai phóng ngoài việc đào tạo toàn diện cũng tạo điều kiện cho bạn có thể nghiên cứu chuyên sâu vào một ngành để hoàn thiện 1 luận văn (thesis) dưới sự hướng dẫn trực tiếp của giáo sư.

Tuy nhiên, có 1 số ngành bị thiếu giáo sư hướng dẫn thì có thể ảnh hưởng đến việc làm thesis. Mà không có nghiên cứu thì khó nộp PhD. Nên cần liên hệ tìm hiểu cẩn thận trước khi nhập học.

Hồ sơ PhD thì thường bao gồm: Điểm chuẩn hoá GRE, Bảng điểm Đại Học, Resume, Bài luận và thư giới thiệu + Kinh nghiệm nghiên cứu

Hồ sơ Master thì thường không cần kinh nghiệm nghiên cứu mà cần kinh nghiệm thực tiễn thể hiện qua Resume.

3. Xin việc làm:

Dù học ở LAC hay NU thì sinh viên phải nổ lực tìm kiếm cơ hội thực tập vào các mùa hè, chứ những gì học ở trường thôi không đủ để xin việc làm. Nhiều kỹ năng chuyên môn phải tự tìm nguồn mà học.

Nếu năm 1 và năm 2 thì thường về Việt Nam tự xin vào các công ty.

Năm 3 và năm 4 có thể xin ở Mỹ dựa vào mạng lưới của trường khi các công ty đến tuyển.

Tuỳ thuộc vào nền kinh tế có thịnh vượng hay không mà cơ hội xin việc và ở lại nước ngoài có thuận lợi hay không.

Nếu không thuận lợi, giáo dục khai phóng đã trang bị cho bạn khả năng ứng biến để bạn tìm ra lối đi riêng của mình. Có thể sẽ mất thời gian, nhưng bạn sẽ là người cuối cùng chán công việc của mình sau này.

The end thật rồi.