Ông bà ta có câu “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.
Câu này khuyên con cháu nên siêng năng, chăm chỉ, cần cù… mới thành công.
Gần đây đọc sách mình mới phát hiện ra cái từ rất quan trọng trong câu là từ “sắt”. Phải mài đúng “sắt” mới được, chứ chăm chỉ mà mài không đúng thứ thì cũng đâu có thành “kim”.
Sách về “Grit” của giáo sư Angela Duckworth đúc kết là dù là lĩnh vực nào, những người cực kỳ thành công họ có sự quyết tâm thể hiện ở cả hai khía cạnh. Bền bỉ và chuyên cần là một. Hiểu thực sự mình muốn gì, có phương hướng/ mục đích là hai.

Khi còn nhỏ, nếu may mắn, chúng ta sẽ được người lớn cho thử nghiệm nhiều môn khác nhau, từ đó chúng ta tự hiểu được thế mạnh và sở thích của bản thân. Nếu bố mẹ cho chúng ta tự do khám phá trong một khuôn khổ rộng, chúng ta sẽ dành nhiều thời gian để tìm ra mỏ “sắt”, từ đó bắt đầu “mài” nhiều hơn.
Sau đó, những năm tiền đại học là khoảng thời gian hoang mang để tìm “sắt”, tìm được phương hướng đúng để theo đuổi giữa khối lượng thông tin khổng lồ. Người lớn thường tưởng tượng ra “kim” sẽ như thế nào và đặt một kỳ vọng (và vô tình tạo một áp lực) lên người trẻ. Trong khuôn khổ hẹp hơn, người trẻ lại tiếp tục mài, nhưng làm sao biết được là đang mài đúng “sắt” hay không?
- Bạn thử học một vài khóa miễn phí trên Khan Academy, Coursera hay EdX liên quan đến chuyên ngành xem sao. Nếu bạn tiếp thu nhanh hơn bình thường và đêm nằm ngủ mà bạn còn suy nghĩ về những vấn đề chưa giải quyết được thì có thể là bạn tìm đúng “sắt” rồi.
- Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về “kim” bằng cách xem Youtube về một ngày làm việc của một người trong ngành, hay nói chuyện với ít nhất một người lớn đang làm công việc có liên quan. Có lẽ sâu xa hơn là suy nghĩ về sứ mệnh mình muốn theo đuổi, những vấn đề mình muốn giải quyết, những sản phẩm mình muốn tạo thành, những lĩnh vực mình muốn cống hiến.
Nhưng khi người viết nhìn lại cuộc đời mình, và một số người đồng trang lứa cũng đã bước qua tuổi 30, có lẽ “sắt” và “kim” cũng không phải là hai thứ cố định, vì đam mê định hướng của bạn có thể thay đổi liên tục, xã hội bạn đang sống cũng biến chuyển không ngừng – có những lĩnh vực còn chưa được khám phá và hình thành. Vậy việc nên làm phải chăng là cho bản thân cơ hội được mở rộng khuôn khổ, và tiếp tục mài khi tìm được một mỏ “sắt” mới?