CON KHÔNG ĐI HỌC NỮA, Ở NHÀ THÔI.
Một ngày trong tuần của con bắt đầu từ 6 giờ sáng. Con dậy sửa soạn, ăn sáng nhanh xong là leo lên xe để đến trường. Trường tốt thường nằm khá xa nhà, nên con đi xe đưa đón mất cũng 1 tiếng đồng hồ. Con học buổi sáng khoảng 4 tiếng, ăn trưa, ngủ một tí là dậy học tiếp đến khoảng 4 giờ chiều. Xe đưa từ trường về thì con tiếp tục lớp học thêm cho đến 8 giờ tối. Về đến nhà ăn tối xong là hì hục làm bài tập về nhà cho đến nửa đêm. Lên giường mệt lả người, ngủ chưa đã giấc thì đến 6 giờ sáng ngày hôm sau rồi.
12 năm trôi qua như vậy cho đến một ngày con muốn nộp hồ sơ vào trường Đại Học Tufts, một trường Đại Học hàng đầu Mỹ nằm ở gần Boston. Trường này nổi tiếng hào phóng về hỗ trợ tài chính cho học sinh quốc tế, nên con quyết tâm chinh phục nó. Nhưng câu hỏi phụ của trường làm con gặp khó khăn:
“Dù bạn đã từng làm một cái giường nằm hay mạch điện, làm văn thơ hay video các kiểu, hãy kể cho chúng tôi nghe: Bạn đã từng phát minh, kiến tạo, sản xuất hay thiết kế cái gì? Hay bạn hy vọng sẽ làm ra cái gì?”
(Whether you’ve built blanket forts or circuit boards, created slam poetry or mixed media installations, tell us: What have you invented, engineered, produced, or designed? Or what do you hope to?)
Câu hỏi phụ là một cách để tìm hiểu xem trường đang tìm kiếm học sinh như thế nào. Nếu con dành cả 12 năm chỉ để theo đuổi thành tích tốt ở trường, với khả năng xuất sắc cho học thuộc lòng và giải bài tập loằng ngoằng, thì con không thể trả lời được câu hỏi của trường Tufts.
Nên bây giờ (thêm vào sau: đây là suy nghĩ viễn tưởng) con sẽ không đi học nữa mà chỉ ở nhà thôi.
– Con sẽ dành buổi sáng đọc Harry Potter, buổi chiều luyện viết văn sáng tạo bằng cách xây dựng nên câu chuyện viễn tưởng của riêng con.
– Con sẽ dành buổi sáng chơi games thỏa thích, buổi chiều học lập trình và thiết kế đồ họa để tạo ra trò chơi của riêng con
– Con sẽ dành buổi sáng để nghe nhạc và xem MV, buổi chiều luyện đàn, viết nhạc và làm video những bài hát của riêng con
– Con sẽ dành buổi sáng chơi Lego và robots, buổi chiều lắp ráp xây dựng 1 số máy móc của riêng con.
Sau một thời gian, con sẽ bị thui chột khả năng học thuộc lòng và giải bài loằng ngoằng, nhưng con chẳng ngại gì câu hỏi của trường Tufts hay bất cứ trường nào khác.
À, trường Tufts còn có câu hỏi thứ 2 con cũng chẳng ngán, vì con có nhiều thứ để dạy người khác rồi:
Trường Exprimental College của chúng tôi khuyến khích học sinh phát triển và dạy 1 lớp cho cộng đồng Tufts. Những lớp trước đây dựa trên đam mê của bản thân, sự kiện đương đại và những vấn đề khác. Bạn sẽ dạy gì và tại sao?
(Our Experimental College encourages current students to develop and teach a class for the Tufts community. Previous classes have included those based on personal interests, current events, and more. What would you teach and why?)
Nghiên cứu thêm về trường Đại Học Tufts:
https://admissions.tufts.edu/apply/essay-questions/
***
BA MẸ ĐI CHƠI ĐI, VIỆC NHÀ ĐỂ CON LO
Từ lúc con sinh ra đời ba mẹ đã lo cho con đầy đủ mọi thứ. Con chỉ chờ đến bữa là được ăn, đến giờ là đi học và đi ngủ. Những chuyện căn bản trong nhà như dọn dẹp, giặt giũ, nấu nướng đã có người lớn lo. Con chẳng biết ở ngoài kia ba mẹ gặp phải chuyện gì, phải đương đầu với ai, chỉ cần mỗi lần thèm một ly trà sữa là con được thoả mãn ngay. “Con nít không nên xen vào chuyện người lớn.” Ai cũng bảo vậy nên con cũng chẳng thèm quan tâm.
17 năm cuộc đời cứ trôi qua như thế cho đến một ngày con muốn nộp Georgia Institute of Technology, một trường Đại Học về kỹ thuật hàng đầu của Mỹ. Người ta hay nhắc đến MIT, chứ thật ra có một số ngành Georgia Tech rất vượt trội, như ngành Industrial, Manufacturing, Civil, Chemical, Mechanical, Aerospace… kể ra cũng gần hết các ngành kỹ thuật.
Tuy nhiên, con bị sốc với một trong những câu hỏi phụ của trường:
“Mục tiêu của công nghệ là Tiến Bộ và Phục Vụ. Chúng tôi thấy rằng sinh viên mà muốn sau này có một tầm ảnh hưởng lớn thì trước tiên phải tạo ảnh hưởng ngay tại nhà. VAI TRÒ của bạn trong gia đình nhỏ và lớn là gì? Có bằng chứng gì cho thấy bạn có sự ảnh hưởng tại nhà không?”
(Tech’s motto is Progress and Service. We find that students who ultimately have a broad impact first had a significant one at home. What is your role in your immediate or extended family? And how have you seen evidence of your impact on them?)
Ba mẹ ơi…
– Ba mẹ cứ đi chơi đi, để con lo chuyện dọn dẹp, giặt giũ, nấu nướng
– Ba mẹ cứ đi chơi đi, để con tự pha trà sữa uống ở nhà cũng được
– Ba mẹ cứ đi chơi đi, biết đâu đi chơi nhiều lại bớt cãi nhau chuyện vặt vãnh. Nếu vẫn chưa giải quyết được, ngồi xuống bàn con sẽ lắng nghe và giúp ba mẹ giải quyết nhé.
– Ba mẹ cứ đi chơi đi, nếu không có tiền đi học thêm thì còn lên mạng kiếm tài liệu về tự học.
– Ba mẹ cứ đi chơi đi, đứa em để con lo cho (À, việc nhà chăm sóc em cũng được tính là hoạt động ngoại khoá dưới phần “Trách nhiệm gia đình”)
Ba mẹ cứ đi chơi đi nhưng nhà hết tiền thì phải đi làm nghiêm túc ba mẹ nhé. VAI TRÒ của con cũng chỉ đến thế thôi!
Cùng tìm hiểu thêm về Georgia Tech: http://admission.gatech.edu/first-year/personal-essays
***
CON SẼ KHÔNG COI HỌ LÀ ĐỐI THỦ NỮA
Con là một chiến binh dũng mãnh trên đường đua học thuật. Lúc nào con cũng thuộc bài hơn các bạn khác. Điểm số của con lúc nào cũng phải nhỉnh hơn 0.1 so với các bạn khác. Có tài liệu hay nguồn học nào hay, con phải giấu đi cho riêng mình thôi. Con dễ cãi nhau với người khác khi làm việc chung nên tốt nhất con ôm việc tự làm hết cho xong. Cuối cùng, con không thể để ai qua mặt con được, vì cơ hội lớn nhất chỉ đến với những chiến binh hàng đầu.
7 năm trôi qua cho đến một ngày con muốn nộp trường Johns Hopkins, một trường hàng đầu về y sinh, ước mơ của vạn vạn người. Nhưng câu hỏi phụ của trường định nghĩa thành công quá khác với tư tưởng của con quá:
“Sinh viên thành công ở Johns Hopkins có tầm ảnh hưởng lớn nhất khi họ hợp tác với người khác, bao gồm bạn đồng lứa, mentors, và giáo sư. Kể về 1 lần, trong hoặc ngoài lớp học, bạn đã làm việc với người khác và bạn đã học gì từ trải nghiệm này.”
(Successful students at Johns Hopkins make the biggest impact by collaborating with others, including peers, mentors, and professors. Talk about a time, in or outside the classroom, when you worked with others and what you learned from the experience.)
Con chợt nhìn lại chính mình. Làm sao hợp tác được khi mình phải luôn phải vượt mặt người khác trong cuộc đua khắt nghiệt?
Thế là con đưa ra quyết định lớn nhất của đời mình.
– Con sẽ không cố vượt mặt người khác, mà rủ người khác cùng học chung.
– Con sẽ không giấu diếm tài liệu hay nguồn học hay mà chia sẻ công khai trên Facebook của con luôn.
– Con sẽ không coi các bạn là đối thủ nữa, mà thực sự coi họ là bạn, cùng nhau nấu ăn làm bánh.
Bài học lớn nhất mà con học được khi làm việc với người khác là chữ NHẪN. Đó chính là thành phần bí mật của sự thành công mà trường Johns Hopkins nhắc tới. Bài luận của con đã được trường Johns Hopkins đánh giá rất cao và còn được cho bài văn mẫu trên website của trường nữa:
“And the Secret Ingredient is…
Step 1: Get the ingredients
On the granite countertop in front of me sat a pile of flour, two sticks of butter, and a bowl of shredded beef, just like the YouTube tutorial showed. My mind contorted itself as I tried figuring out what I was doing. Flanking me were two equally discombobulated partners from my Spanish class. Somehow, some way, the amalgamation of ingredients before us would have to be transformed into Peruvian empanadas.
Step 2: Prepare the ingredients
It looked easy enough. Just make a dough, cook the beef until it was tender, put two and two together, and fry them. What YouTube didn’t show was how to season the meat or how long you should cook it. We had to put this puzzle together by ourselves. Adding to the mystery, none of us knew what an empanada should even taste like.
Step 3: Roll out ten equally sized circles of dough
It would be dishonest to say everything went smoothly. I thought the dough should be thick. One team member thought it should be thin. The other thought our circles were squares. A fundamental truth about collaboration is that it’s never uncontentious. Everyone has their own expectations about how things should be done. Everyone wants a project to go their way. Collaboration requires observing the differences between the collaborators and finding a way to synthesize everyone’s contributions into a solution that is mutually agreeable.
Step 4: Cook the beef until tender
Collaborative endeavors are the proving grounds for Murphy’s Law: everything that can go wrong, will go wrong. The shredded beef, which was supposed to be tender, was still hard as a rock after an hour on the stove. With our unseasoned cooking minds, all ideas were valid. Put more salt in? Sure. Cook it at a higher temperature? Go for it. Collaboration requires people to be receptive. It demands an open mind. All ideas deserve consideration.
Step 5: Fry the empanadas until crispy
What does crispy even mean? How crispy is crispy enough; how crispy is too crispy? The back and forth with my teammates over everything from how thick the dough should be to the definition of crispy taught me a key ingredient of teamwork: patience. Collaboration breeds tension, which can make teamwork so frustrating. But it’s that very tension which also transforms differing perspectives into solutions that propel collaborative undertakings forward.
Step 6: Enjoy!”
Tìm hiểu thêm về Johns Hopkins và những bài luận thành công khác: https://apply.jhu.edu/application-process/essays-that-worked/?fbclid=IwAR1qtkx1Zlc-VWKi320KbBfPvxwfede7lfjWBKXIjJenoH9BFvsyTH8ZQUs
***
CHẲNG LIÊN QUAN ĐẾN MÌNH, CON Ạ!
Con là con ngoan trò giỏi. Con chẳng làm gì để ba mẹ thầy cô phải buồn lòng cả. Người lớn dặn con đừng có “nhiều chuyện”. Về nhà thì đóng cửa chặt lại kẻo trộm nó vào. Đi đến nơi về đến chốn đừng có la cà. Đừng có chĩa mũi vào việc người khác. Tóm lại, con cứ lo ăn học đàng hoàng, những việc khác ngoài kia chẳng liên quan đến mình, con ạ!
17 trôi qua đến một ngày con chuẩn bị hồ sơ cho Đại Học Yale, trường Đại Học mơ ước của vạn người, nơi cả hai vợ chồng cựu tổng thống Clinton đã từng học. Họ hỏi con một câu hết sức đánh đố:
“Hãy suy ngẫm về sự LIÊN QUAN của bạn đến một cộng đồng nào đó. Bạn đã đóng góp cho cộng đồng này như thế nào?”
(Reflect on your engagement with a community to which you belong. How do you feel you have contributed to this community?)
Ơ, những chuyện ngoài kia có liên quan gì đến con đâu mà hỏi con có đóng góp gì? Bây giờ con phải làm sao?
– Quan tâm xem xung quanh nhà mình hàng xóm láng giềng có ai cần sự hỗ trợ gì không?
– Quan tâm xem trong trường lớp mình có vấn đề gì mình có thể tham gia giải quyết không?
– Quan tâm xem có câu lạc bộ/ dự án nào mình có thể chung tay phát triển không?
– Quan tâm xem có ai sẽ thích có sự hiện diện của mình ngoài gia đình không?
Sau một thời gian bước ra khỏi vòng an toàn, con thấy bên ngoài có nhiều vấn đề phức tạp quá, nhưng giờ con lại có thể tự tin trả lời thêm câu hỏi khác của trường Yale:
“Ai ở Yale cũng quan tâm đến các vấn đề có tầm quan trọng mang tính địa phương, quốc gia và quốc tế. Thảo luận một vấn đề bạn quan tâm và thử nghĩ xem việc đi học Đại Học giúp ích gì cho việc bạn giải quyết vấn đề đó.”
(Yale students, faculty, and alumni engage issues of local, national, and international importance. Discuss an issue that is significant to you and how your college experience might help you address it.)
Tham khảo thêm về Yale: https://admissions.yale.edu/essay-topics
***
CON CHẲNG CÓ GÌ ĐẶC BIỆT, CON CHỈ TÒ MÒ
Làm hồ sơ du học, con bị áp lực nhất là phải thể hiện con là người đặc biệt. Mà con chẳng thấy mình có gì đặc biệt cả, vì cả 17 năm qua, con sống trong một khuôn mẫu điển hình. Con chỉ là một đứa tuổi teen bình thường, thích đọc truyện manga, đeo tai nghe nhạc xập xình và lê la ở quán trà sữa. Chấm hết,
Đến một ngày con muốn nộp đơn vào trường ĐH Dartmouth vì trường có chương trình D-Plan cho những học kỳ con chọn học, chơi, hay làm việc ở đâu tuỳ thích. Và câu hỏi của trường làm con tự tin hơn nhiều về sự không đặc biệt của mình:
“Tôi chẳng có tài năng gì đặc biệt,” Albert Einstein từng chia sẻ. “Tôi chỉ TÒ MÒ thôi.” Hãy tôn vinh sự tò mò của bạn.
(“I have no special talent,” Albert Einstein once observed. “I am only passionately curious.” Celebrate your curiosity.)
Trong cái không gian tuổi teen của con, con đã tò mò về rất nhiều thứ. Chẳng ai biết khác con đã dành hàng giờ làm những việc bí ẩn gì.
– Con hay theo dõi Instagram/Youtube/ Facebook của một chuyên gia làm đẹp và học hỏi về mỹ phẩm và cách chăm sóc da (đố biết con là con trai hay con gái?)
– Con hay đọc hàng giờ Quora và Reddit để xem các “chuyên gia” bàn luận xôm xả về các chủ đề khác nhau, chủ đề con quan tâm nhất là trí tuệ nhân tạo có thay thế con người được không?
– Con hay lên Goodreads xem những người mình biết đang đọc gì và thấy quyển sách “Nhật ký 300 ngày ở Harvard” chỉ được 3.58 sao. Really?
– Con cũng hay lang thang ở đường sách để ngắm những quyển sách mới và tình cờ đọc được dòng thú vị này từ quyển sách “Thiên Nga Đen”: “Một người có thể được điểm SAT rất cao nhưng vẫn cảm thấy ớn lạnh khi có người lạ bước vào thang máy. Việc không thể tự động chuyển kiến thúc và sự tinh tế từ tình huống này sang tình huống khác hay lý thuyết sang thực tiễn là một thuộc tính phiền toái của bản chất loài người”
– Còn nhiều trang web và nơi chốn con hay lang thang tới mà thôi con không dám kể.
Chừng đây tò mò đủ để con trở thành Einstein thứ 2 chưa nhỉ?
Cùng tìm hiểu về ĐH Dartmouth
***
HỌC BỔNG & QUÊ HƯƠNG
“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày”
Thực ra con chưa trèo hái khế bao giờ. Có khi ở thành phố con cũng chẳng biết quả khế trông như thế nào. Vậy quê hương đối với con là gì? Có phải là nơi con sinh ra? Có phải là nơi có ba mẹ đưa đón con mỗi sớm chiều? Hay là nơi con có thể nói thứ tiếng mẹ đẻ và ai cũng có thể hiểu con.
17 năm trôi qua con cũng chẳng suy nghĩ nhiều cho đến một ngày con muốn nộp xin tài trợ học phí toàn phần (tức miễn học phí) của 2 trường Đại Học Drexel và Wesleyan thì con thực sự cảm thấy phải suy nghĩ nhiều hơn về hai chữ “quê hương”.
“Bạn sẽ đóng góp gì cho quê hương sau khi tốt nghiệp Đại Học chúng tôi?”
– Please tell us how you would use your Wesleyan education to make a contribution to your home country. (Wesleyan)
– Upon completion of your degree and when you return to your country, in what ways will you give back to your community? (Drexel)
Trèo hái khế ngọt chắc là dễ, nhưng làm sao có khế ngọt để hái chắc là cả một vấn đề. Với bằng Đại Học Mỹ danh giá thì con có thể trồng được loại khế nào? Loại khế đó có gì mới mẻ so với những loại mà người dân ta đã trồng hàng trăm năm qua. Loại khế đó có chữa được bệnh gì cho người dân ta không? Loại khế đó có làm người ta sống tử tế với nhau hơn không?
Vì sao để được miễn học phí, những trường Đại Học này lại muốn con nghĩ về quê hương? Phải chăng họ muốn “trả lương” trước cho con để con về nhà trồng một loại khế mới?
Ôi nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp trong đầu con quá mà sắp hết hạn nộp rồi.
Tìm hiểu học bổng tài năng của 2 Đại Học Mỹ: